Ba đầu sáu tay không trả xuể
Bảy năm trước, ba mẹ lớn tuổi giao lại cho anh Đỗ Văn Tùng cửa hàng nội thất ở quận 12 cùng xưởng gỗ nhỏ tại Hóc Môn. Thời gian đầu có ba kèm cặp, việc quản lý công việc không mấy khó khăn. "Khi tôi quen việc, ba nghỉ hẳn và giao toàn bộ cho tôi", anh nhớ lại.
Những năm sau kinh tế khó khăn hơn, buôn bán ế ẩm, lại chưa nhiều kinh nghiệm nên cửa hàng liên tục thua lỗ. Anh bộc bạch: "Do tính tự cao, muốn chứng tỏ với gia đình nên tôi không báo sự việc lại với ba mẹ mà cứ tự xoay xở. Số vốn ba mẹ để lại dần vơi đi, năm 2021 không còn đồng nào".
Tuy nhiên, lúc đó vẫn còn lạc quan như anh chàng Don Quixote, anh tự nhủ tình hình sẽ ổn nên vay mượn gầy dựng lại. Không thể vay ngân hàng do giấy tờ đều do ba đứng tên, anh vay bên ngoài với mức lãi gấp bốn lần ngân hàng.
Anh cất giọng rầu rĩ: "Ban đầu tôi vay 500 triệu đồng, trả lãi mỗi tháng 15 triệu đồng. Sau sáu tháng số tiền đó vẫn không ăn thua gì, tôi liều vay tiếp 1 tỉ đồng. Nhưng lần này lãi cao hơn: một tháng 40 triệu đồng". Anh vay ngon trớn, là vì nhóm cho vay biết anh có cửa hàng lớn và xưởng gỗ nên không phải thế chấp, chỉ cần đồng ý mức lãi cao là chuyển tiền cái rẹt.
Nhưng công việc buôn bán chẳng hề suôn sẻ chút xíu nào, hàng bán chỉ cầm chừng để duy trì cửa hàng, trong khi mỗi tháng cái hố lãi tín dụng đen ngốn của anh 55 triệu đồng.
Không biết điểm dừng, bị đòi quá gắt, lại hết vốn làm ăn, anh tìm mối khác để... vay tiếp. Lần này anh vay 1 tỉ đồng, mỗi tháng trả lãi 50 triệu đồng. "Đó là nhờ bạn hàng giới thiệu nhóm cho vay nên mới có mức lãi đó, chứ không quen biết mà cũng không có gì thế chấp thì lãi còn cao hơn nhiều", anh cay đắng nói.
Bài học khắc nghiệt
Một logic đáng sợ là làm ăn thua lỗ thì tiền vào bao nhiêu mất bấy nhiêu. Chỉ tới đầu năm 2023 là tài khoản anh Tùng không lúc nào có trên 10 triệu đồng. Không còn tiền trả lãi hằng tháng, tiền nợ cứ chồng lên nhau như cơn ác mộng.
Mỗi tháng tiền gốc và lãi cứ tăng từ 3 tỉ rưỡi đến 4 tỉ rồi 4 tỉ rưỡi lúc nào không hay. Cửa hàng thu hẹp dần, hàng bán ra ít, hàng mới không có. Bước đường cùng, tháng 9-2023, anh đóng cửa hẳn.
Lúc này gia đình mới biết sự thật động trời: đứa con trai mình tin tưởng đã phá sản với số nợ gần 5 tỉ đồng. Ba anh tính toán, nếu để như vậy lãi mẹ đẻ lãi con, không đời nào trả nổi. Anh Tùng kể: "Ba lấy giấy tờ nhà đem cầm ngân hàng 5 tỉ đồng, cộng với tiền ba mẹ dưỡng già trả cho dứt nợ tín dụng đen, còn một ít thì mở lại cửa hàng buôn bán". Ba anh sang lại xưởng gỗ Hóc Môn, vừa có thêm tiền kinh doanh vừa dồn sức cho cửa hàng kia.
"Sức mua còn yếu lắm, đồng tiền xoay vòng chậm. Mỗi tháng chạy tiền trả gốc lãi ngân hàng gần 100 triệu đồng. Mới mấy tháng nhà tôi thấy đuối rồi. Ba tôi định rao bán căn nhà đang vừa ở vừa làm cửa hàng", anh ngậm ngùi. Họ dọ giá thử chỉ khoảng 10 - 11 tỉ đồng, hạ 6 - 7 tỉ so với hồi trước. Thời buổi này theo anh bán nhà khó hơn hái sao trên trời, "nhưng không bán không gồng nổi nữa".
Mới ra đời làm ăn bị một cú quá mạng, anh nói đây là bài học đắt giá cho mình cũng như lời cảnh báo cho nhiều người khác khi dính vào tín dụng đen. Rơi vào đó như rơi vào hố bùn, càng vùng vẫy càng lún sâu.
Xin từng 500.000 đồng để qua cơn khó
Cũng ba năm trước, anh công nhân Phạm Tuấn Tú (ngụ quận Bình Tân) do hùn hạp làm ăn nhỏ nên vay tín dụng đen 40 triệu đồng. Anh không ngờ lãi như nấm lên đầu mùa mưa. Thời điểm đó anh đang là trưởng một bộ phận trong công ty. Không trả đúng hẹn, phía cho vay nóng gọi tới công ty liên tục.
Bức bách, anh nghỉ rồi xin vào công ty khác, mức lương hơn 15 triệu đồng. Anh kể: "Không biết vì lý do gì tín dụng đen biết, gọi đến phá, tôi phải nghỉ", anh nói. Nếu cứ đi làm công ty sẽ không yên, anh xin chỗ khác làm bảo vệ, giữ xe. Điểm đáp cuối của anh là làm công nhân.
Thời gian sau mất việc, anh nhắn tin Zalo cho tất cả người quen, cả người mới gặp một lần kể cảnh khó. Anh nhắn "nếu có thể, anh chị chuyển cho 500.000 đồng, nếu không thì bỏ qua tin nhắn này". Chưa có gia đình, không có ai cùng san sẻ, giờ anh lui về "ở ẩn" và đối với phía cho vay, anh đã "mất tích".
Là tác giả sách Kiến thức - Kinh nghiệm - Kỹ năng trong cho vay và xử lý nợ cùng nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, anh Nguyễn Tấn Lộc nhìn nhận khi đầu tư phải dự báo độ rủi ro.
Chẳng hạn, nếu ta đầu tư miếng đất phải dự trù tình huống có thể trong hai năm tới giá đất không tăng và thậm chí lỗ. Nhưng thực tế, người đầu tư luôn kỳ vọng giá trị bất động sản tăng, "đó là kỳ vọng cá nhân hóa, vô hình trung sẽ làm bước chân đầu tư bị hụt".
Theo gợi ý của anh, với những người thu nhập trung bình, số vốn nhỏ có thể liên kết đầu tư và xác định lĩnh vực phù hợp. Anh nói: "Trước khi đầu tư phải có hiểu biết về lĩnh vực, nếu không chúng ta phải tìm được người hiểu biết để đầu tư cùng. Một điều quan trọng nữa là phải hiểu rõ năng lực đầu tư, giới hạn được mức độ chịu đựng rủi ro".
Đầu tư bất cứ lĩnh vực gì, mỗi người nên xác định khả năng chịu rủi ro đến mức nào thì ngưng không đầu tư nữa. Một cách đơn giản, ta nên có quan điểm nếu mất số tiền đã đầu tư tới đó thì ngưng, có điểm dừng và sau đó có thể trở lại làm công ăn lương trả từ từ.
"Nhưng thực tế người càng thua lỗ càng muốn gỡ, thậm chí vay tín dụng đen. Điều này làm cho câu chuyện vỡ nợ xảy ra, bởi gồng trả gốc lãi chừng 3 - 6 tháng là sẽ khó gồng tiếp", anh nói. Câu chuyện vay tín dụng đen giữa cá nhân với cá nhân đơn giản, thường khi người vay đã vào ngõ cụt, không thể vay mượn ngân hàng nữa. Nhưng đó là bước trượt dài trong vòng xoáy nợ nần vô cùng khắc nghiệt.
Hạn chế đầu tư lĩnh vực rủi ro cao
Theo anh Nguyễn Tấn Lộc, với những lĩnh vực rủi ro cao như tiền ảo, càng đầu tư càng bị cuốn vào khó dừng lại. Đó là chưa kể tâm lý ức chế muốn gỡ gạc khi thấy mình đã bán đi mà giá của tiền ảo vẫn tăng, nên càng muốn đầu tư tiếp. Đã có bao cảnh bán nhà, vay nợ rồi cuối cùng thất bại. Thị trường vô số loại tiền ảo, nhưng sao ta không đầu tư vào cái thật ngoài đời?
Từ kinh nghiệm bản thân, anh cho biết thay vào đó có thể đầu tư vào cổ phiếu dài hạn. Còn nếu vững kiến thức ở thị trường chứng khoán, có thể đầu tư dạng lướt sóng. Với bất động sản, người đầu tư phải có kiến thức thị trường, xác định vòng đời của bất động sản, tham gia khi bất động sản mới trên đà tăng, đừng đợi tới giai đoạn đỉnh.
"Trước khi đầu tư những thứ rủi ro, người đầu tư nên nghĩ tới trường hợp bản thân không xoay xở nổi, gia đình, người thân phải gồng gánh sau này...", anh chia sẻ.
-------------------------
Nợ nần như bản án xử chậm, khiến con người ta xoay xở bứt rứt đêm ngày như người điên. Nhiều người kiên trì vượt qua sóng gió, chấp nhận cảnh đắp đổi qua ngày, làm những nghề trái tay vất vả và cuộc sống không còn sĩ diện như hồi trên đà "vinh quang".
Kỳ tới: Quyết tâm thoát vòng xoáy nợ nần
Công an TP.HCM triệt phá nhiều nhóm tín dụng đen cho vay lãi nặng, có nhóm móc nối nhân viên ngân hàng cho vay đáo hạn, thu lợi nhiều tỉ đồng.