Tử vong vì lao cao hơn tai nạn giao thông
Theo Báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, trong năm 2023, chương trình đã phát hiện 106.086 ca mắc bệnh lao các thể, tăng 2.282 ca (2,2%) so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - là năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19. Số bệnh nhân (BN) lao phát hiện hằng năm tại VN vào khoảng 60%, như vậy sẽ có khoảng 40% BN lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện. Ước tính có khoảng 12.000 người tử vong do bệnh lao mỗi năm, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Đặc biệt, năm 2023 cũng phát hiện các trường hợp lao kháng đa thuốc gia tăng lên 3.775 ca, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Lao đa kháng thuốc ước tính chiếm 4,5% trong nhóm BN lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Bệnh lao đồng nhiễm HIV ước tính chiếm 2,5%.
Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại VN chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số BN lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa VN trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Về điều trị, năm 2022, tỷ lệ điều trị khỏi trên toàn quốc đã có dấu hiệu cải thiện, đạt 90%, đáp ứng chỉ tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhưng vẫn chưa đạt được so với thời điểm trước Covid-19.
Tình hình bệnh lao gia tăng ở VN cũng phù hợp với xu hướng gia tăng bệnh lao trên toàn cầu. Theo báo cáo của WHO, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm năm 2022, chỉ sau Covid-19 và các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống bệnh lao hiện vẫn bị chậm tiến độ. Theo WHO, công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nữa nỗ lực từ các quốc gia, đặc biệt phải biến các cam kết được đưa ra tại cuộc họp cấp cao của LHQ về bệnh lao năm 2023 thành hành động cụ thể.
CẦN tối ưu các chính sách hiện có
Theo Chương trình chống lao quốc gia, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại VN vào 2035 cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có. Đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội. Đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc xin mới, các tiếp cận và can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.
Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, cùng với các chính sách mới như thuốc chống lao, dịch vụ khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả…, Chương trình chống lao quốc gia đã huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả. Trong đó, có sự góp phần không nhỏ của chính sách mở rộng triển khai chiến lược 2X, bao gồm sử dụng X-quang lồng ngực cùng xét nghiệm sinh học phân tử ở cộng đồng và các cơ sở y tế, hiệu quả gấp 7 lần so với việc phát hiện thụ động như hiện nay.
Theo Chương trình phòng chống lao quốc gia, bệnh lao có thể hoàn toàn điều trị khỏi với tỷ lệ đạt hơn 90% với BN lao mới và 70% với bệnh lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% BN lao đa kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại VN, ngay cả lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc.
TP.HCM điều tra dịch tễ lao ngẫu nhiên 74 phường
Theo thông tin tại buổi mít tinh truyền thông Ngày thế giới phòng chống lao 2024 do Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Chương trình chống lao quốc gia tổ chức, năm 2023, TP.HCM phát hiện 19.785 ca mắc lao các thể, trong đó có 754 ca đồng nhiễm HIV và 301 ca tử vong; các chỉ số này tăng nhẹ so với năm 2022. Mục tiêu năm 2024, TP.HCM sẽ phát hiện 80% người mắc lao trong cộng đồng, 90% người mắc lao được điều trị thành công. Duy trì 100% trung tâm y tế triển khai khám bệnh, chữa bệnh lao được thanh toán bằng nguồn quỹ bảo hiểm y tế...
Năm 2024, TP.HCM sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị. Đẩy mạnh chiến lược 2X để phát hiện và tối ưu hóa phương pháp phát hiện bệnh lao. Triển khai điều tra dịch tễ bệnh lao tại 74 phường ngẫu nhiên. Ngoài ra, dự kiến nghiên cứu vắc xin phòng bệnh lao với tổng chỉ tiêu sàng lọc khoảng 10.000 người (từ 15 - 44 tuổi).
Du Yên