Từ ngày 26 đến 28-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự luật trình kỳ họp thứ 7. Trong đó có dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tài xế không phải học lại chương trình của Bộ Giao thông vận tải
Theo đó, Chính phủ đề xuất quy định điểm, trừ điểm bằng lái xe vào dự luật. Cụ thể, bằng lái sẽ có 12 điểm, nếu tài xế vi phạm giao thông sẽ bị trừ điểm, mức trừ và hành vi bị trừ điểm sẽ được Chính phủ quy định bằng văn bản dưới luật.
Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm bằng lái xe biết.
Tài xế sẽ được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp bằng lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp bằng lái phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Việc kiểm tra này do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Dự luật quy định bằng lái mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của bằng lái xe trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng...
Bổ sung quy định trừ điểm bằng lái xe là cần thiết
Báo cáo tiếp thu, giải trình, thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với báo cáo của Chính phủ và thấy rằng việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm bằng lái trong dự luật là cần thiết.
Bởi lẽ, cơ quan thẩm tra nhận thấy hiện một số quốc gia tiên tiến đã thực hiện quy định này. Đây là quy định văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ.
Thêm vào đó, nếu so sánh việc xử phạt tài xế bằng biện pháp bổ sung là tước bằng lái như hiện nay với việc trừ điểm phải kiểm tra lại kiến thức trước khi phục hồi điểm là biện pháp mang tính nhân văn hơn.
Song song đó, việc trừ điểm bằng lái vừa quản lý chặt chẽ người được cấp bằng vừa tạo điều kiện cho những người này có cơ hội điều khiển phương tiện khi người đó cố gắng chấp hành tốt quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 bằng lái.
Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân.
Việc tước bằng lái đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều bằng lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe…
Cạnh đó, quy định điểm, trừ điểm bằng lái góp phần quản lý tốt hơn đối với người được cấp bằng lái xe khi điều khiển phương tiện giao thông.
Qua đó, quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc tái phạm.
Từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Về cơ sở pháp lý để đưa ra quy định trên, Thường trực Ủy ban cho biết nhiều ý kiến cho rằng quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cần bổ sung quy định về trừ điểm bằng lái là biện pháp xử phạt bổ sung và sửa quy định về hình thức xử phạt bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thường trực Ủy ban đã phối hợp với cơ quan soạn thảo xây dựng một điều về điểm của bằng lái như trong dự luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định các nguyên tắc về trừ điểm, phục hồi điểm.
Cùng với đó giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm bằng lái, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi bằng lái.
Bộ Công an nêu rõ điểm, trừ điểm bằng lái được quy định trong dự luật là một biện pháp quản lý nhà nước, vừa có tính răn đe vừa có tính chất giáo dục.