Sáng 27.3, tại TAND TP.HCM diễn ra phần bào chữa của luật sư đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 498.000 tỉ đồng cho SCB.
Theo đó, Nhàn bị Viện KSDN TP.HCM (Viện kiểm sát) đề nghị tòa phạt mức án tù chung thân với cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB).
Quá trình thanh tra tại SCB, để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém cùng các sai phạm và SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt để tiếp tục được tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Nhàn. Khi đó, Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra.
Trong phần bào chữa, Nhàn nghẹn giọng: "Bị cáo ân hận và xấu hổ với chính bản thân và gia đình. Bị cáo ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong vụ án, mong tòa xem xét cho bị cáo hưởng mức án khoan hồng, đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại".
Cũng theo cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, mong được sớm trở về để dưỡng bệnh. Khi bị bắt tạm giam, bị cáo đã sụt 9 kg, xuất hiện những cơn đau tim liên tục, trại giam phải đưa đi khám bệnh.
Nhàn có tới 5 luật sư tham gia bào chữa. Luật sư của Nhàn cho rằng Viện kiểm sát đề nghị phạt bị cáo tù chung thân là "quá nghiêm khắc" và truy tố tội nhận hối lộ là không phù hợp. Bởi hành vi của các bị cáo trong đoàn thanh tra là một vòng khép kín, thế nhưng chỉ riêng Nhàn bị truy tố tội nhận hối lộ, có khung hình phạt cao nhất lên đến tử hình, là "quá cao, không công bằng đối với bị cáo".
Cũng theo luật sư, bị cáo Hưng trực tiếp chỉ đạo Nhàn, còn Nhàn chỉ đạo tổ thanh tra. "Vậy tại sao các bị cáo trong vụ án lại bị truy tố tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có khung hình phạt cao nhất cũng chỉ là 15 năm tù?", luật sư của Nhàn nêu.
Đồng thời, theo luật sư, dù Nhàn nhận số tiền 5,2 triệu USD, nhiều hơn so với các bị cáo trong đoàn thanh tra, nhưng đây không phải là căn cứ để định tội danh khác, so với các bị cáo còn lại.
Luật sư của Nhàn cũng đề nghị tòa đánh giá vụ án một cách triệt để, nhằm có cái nhìn nhân văn hơn, để cho bị cáo hưởng một mức án thấp hơn án chung thân. Các sai phạm ở SCB diễn ra thời gian dài, các bị cáo làm việc trong vụ án đều tin tưởng SCB tái cơ cấu để phát triển. Do đó, trong quá trình làm việc các bị cáo mới dẫn đến hành vi sai trái.
Nhàn không chủ động đi gặp Lan, mà là Văn đề nghị gặp để trao đổi công việc và hồ sơ cũng thể hiện các bị cáo không thỏa thuận hay yêu cầu Lan đưa tiền. Việc nhận tiền và đưa tiền giữa các bị cáo trong vụ án là sau khi kết thúc thanh tra, tức về trách nhiệm thanh tra đã hoàn thành.
Ngoài ra, luật sư còn viện dẫn, theo quy định pháp luật, đối với tội phạm về tham nhũng thì khi bị cáo đã khắc phục 3/4 số tiền đã nhận, thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Bị cáo có 4 tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, có thành tích trong công tác.
Cụ thể, Nhàn gọi Văn đến nhận lại tiền nhưng Văn không đến. Ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu, bị cáo thật thà khai báo, nộp lại đầy đủ 5,2 triệu USD đã nhận, được nhà nước tặng thưởng 2 huân chương lao động.
Từ đó, luật sư mong tòa cho bị cáo hưởng mức án nhân đạo, nhân văn và khoan hồng, với mức án thấp hơn theo đề nghị của Viện kiểm sát. Đồng thời, luật sư đề nghị tòa xem xét trả lại cho gia đình bị cáo đã nộp thừa số tiền thừa để khắc phục hậu quả so với số tiền mà Nhàn đã nhận hối lộ.
Trong phần xét hỏi trước đó, Nhàn luôn cho rằng mình không muốn nhận số tiền trên. Sau khi Văn đưa tiền, Nhàn nhiều lần liên hệ yêu cần Văn đến nhận lại tiền nhưng không được đáp ứng.
Cáo trạng quy buộc, Lan đã chỉ đạo Văn (Tổng giám đốc SCB) trực tiếp đưa Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra. Trên cơ sở đó, Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB, cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho ngân hàng này được tái cơ cấu.
Tại lần thanh tra đợt 1, Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn và tổ tổng hợp bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu hơn 37.900 tỉ đồng; trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.700 tỉ đồng và thoái dự thu hơn 3.000 tỉ đồng đối với 3 dự án (Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden)... Mục đích là theo hướng có lợi cho SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và các báo cáo Chính phủ.
Đồng thời, Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ tại 4 cuộc họp vào năm 2018 với nội dung không trung thực.
Tại lần thanh tra đợt 2, Nhàn là người chủ động đề xuất Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với 71 khách hàng có địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.
Việc làm này sẽ giúp không phải thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh sau tháng 6.2017 còn dư nợ đến cuối tháng 3.2018. Đồng thời, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại 4 Nguyễn Thị Minh Khai phát sinh dư nợ sau tháng 6.2017.
Từ đó, các sai phạm sẽ không bị chuyển cho cơ quan chức năng xử lý, ưu tiên thực hiện các biện pháp kinh tế để Trương Mỹ Lan, Võ Tấn Hoàng Văn chỉ đạo cấp dưới tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB thực hiện việc cho vay mới mục đích tất toán các khoản vay phát sinh trước đó đối với nhóm 71 khách hàng trên (tổng cộng hơn 88.100 tỉ đồng).