Dù mới tháng 3, nhưng suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã rất ít nước. Đứng từ cầu bắc qua suối nhìn về phía hạ lưu chỉ toàn bạt ngàn là đá, lượng nước chảy về rất ít ỏi. "Nước chảy nhỏ giọt nên việc kinh doanh, đón khách du lịch lên trải nghiệm tắm suối gặp rất nhiều khó khăn" - nhân viên một điểm khai thác du lịch tại đây cho hay.
Đi ngược lên phía thượng nguồn, cảnh tượng dòng suối thật khó tưởng tượng. Từ dưới gầm cầu đường dẫn phía nam hầm Hải Vân nhìn lên trên chỉ thấy đá. Những tảng đá "mồ côi" to đùng chặn dòng, cùng với đó là cát, sỏi, đá nhỏ ken kín lòng suối. Nhiều đoạn sạt lở, cây cối còn chắn ngang suối.
Cũng có những dòng nước nhỏ len lỏi qua đá về xuôi nhưng rất nhỏ…
UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết suối Lương ở thời điểm nguyên sinh với chiều dài hơn 15km. Hằng năm, suối cung cấp hàng triệu khối nước cho người dân ở hạ lưu để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt cũng như phòng cháy chữa cháy rừng.
Không những vậy suối còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu của tiểu khu 4A rừng Nam Hải Vân, cung cấp môi trường sống cho động vật, thực vật…
Trải qua thời gian, dưới sự tác động của điều kiện thời tiết (so với hiện trạng cách đây khoảng 30 năm) suối Lương đã thay đổi rất nhiều.
Vào mùa đông (từ khoảng tháng 10 đến tháng 12) lượng nước ở khu vực này khá dồi dào.
Vào mùa hạ (đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng 9) lượng nước ở khu vực rất ít, có những tháng khô hạn.
Đặc biệt là sau hai trận lũ lụt lịch sử vào năm 2022 và 2023, một khối lượng khổng lồ đất đá sạt lở đã tràn xuống suối Lương khiến dòng suối không khác gì bãi đá. Tình trạng khô hạn càng trầm trọng hơn.
"Tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân, môi trường sinh thái trong khu vực cũng sẽ có sự chuyển biến xấu" - lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết thêm.
Những ngày Tết, nhiều người đã tìm đến khu văn hóa tâm linh Đà Sơn để du xuân và ngắm tượng Phật khổng lồ đang trong quá trình thi công.