Tại buổi họp mặt doanh nghiệp hội viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại TP Cần Thơ chiều 28-3, ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thông tin nhiều con số về tình hình kinh tế xã hội của vùng.
Ông Lam cho biết tổng vốn đầu tư của Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm và đặc biệt trong năm 2022, 2023 của vùng tiếp tục suy giảm.
Đặc biệt, trong tổng vốn đầu tư vào vùng, vốn đầu tư của Nhà nước ổn định. Vốn đầu tư nước ngoài sụt rất rõ, cho thấy các doanh nghiệp đang giảm sút đầu tư, hết nguồn lực, đang yếu dần.
So với các vùng kinh tế khác, năng lực doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang yếu.
Trong năm 2023, cả vùng thành lập mới 11.381 doanh nghiệp, nhưng mất đi (ngừng hoạt động, giải thể) 10.514 doanh nghiệp, tức chỉ có thêm 867 doanh nghiệp mới hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Đây là thách thức lớn cho Đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới nếu lực lượng sản xuất và kinh doanh của vùng vừa thiếu lại vừa yếu.
Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài vào vùng này tiếp tục sụt giảm. Trong năm 2023 cả vùng thu hút được 139 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 740 triệu USD, trong đó Long An chiếm tới 80%. Con số này của cả vùng chưa bằng của tỉnh Bình Phước (747 triệu USD) và chỉ bằng 1/4 tỉnh Quảng Ninh.
"Điều đó dẫn tới kết quả buồn là tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay cao nhất cả nước. Năm 2023 tỉ lệ này của cả nước 2,2% thì Đồng bằng sông Cửu Long là 3,6%", ông Lam nói thêm.
74% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sẽ tăng trong năm 2024
Dù còn nhiều khó khăn, ông Lam cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây của VCCI cho thấy doanh nghiệp rất "lạc quan, hồ hởi, nhìn triển vọng tươi sáng" trong năm 2024.
Cụ thể, có 75,8% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng doanh thu sẽ tăng và 74,1% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận tăng; việc làm cũng sẽ tăng lên với 57,9% doanh nghiệp lựa chọn lao động.
"Tôi khá bất ngờ với con số này. Bởi lẽ với dữ liệu chúng tôi có được từ thống kê, thu thập từ địa phương thì tình hình kinh tế đang khó khăn. Doanh nghiệp đang đối mặt khó khăn nhưng rất lạc quan, nhìn về tương lai", ông Lam chia sẻ.
Hạn hán, xâm nhập mặn đã được dự đoán trước nên chính quyền và người dân các địa phương ở miền Tây đã chủ động các giải pháp "sống chung" với hạn mặn, giảm tối đa thiệt hại.