Chị N.T.H, 32 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM kể ngày nào chị cũng ăn một trái dứa (trái thơm). Chị cho biết nhiều người khen chị trẻ, da đẹp, cơ thể thon gọn như vậy nhờ mỗi ngày chị đều ăn một trái dứa.
Công dụng của dứa như thế nào mà chị H. khen đến thế?
Có ít nhất 30 hợp chất dinh dưỡng
Bác sĩ Ngô Thị Bạch Yến, trưởng đơn vị điều trị - chăm sóc da và làm đẹp, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết dứa là loại trái cây rất giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, A, K, B6, mangan, thiamine, choline, canxi, phốt pho, kẽm và selen, cũng như một số hợp chất dễ bay hơi tạo cho nó hương vị đặc trưng.
Các nghiên cứu gần đây phát hiện ít nhất 30 hợp chất dinh dưỡng và hoạt tính sinh học trong nước dứa, gồm các loại đường, polyphenol và axit hữu cơ (chủ yếu là axit xitric và L-malic).
Dứa giàu vitamin C, ít calo, không chất béo và cholesterol xấu. Ngoài ra, trái cây này cũng là một nguồn dồi dào canxi, kali, vitamin A, folate...
Dứa rất giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, mangan, bromelain, axit phenolic, flavonoid… Chất chống oxy hóa là những chất bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do - các hợp chất hóa học có thể đóng một vai trò trong bệnh ung thư và bệnh tim.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong dứa có axit phenolic có tác dụng kháng khuẩn, chống ung thư và chống viêm. Trong khi đó, flavonoid không chỉ có tác dụng tương tự mà còn có tác dụng bảo vệ và chữa bệnh tim mạch.
Dứa còn là một trong những nguồn thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin C chủ yếu liên quan đến việc làm giảm bệnh tật và tăng cường hệ miễn dịch bằng cách kích thích hoạt động của bạch cầu, hoạt động như một chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể chống lại các tác động xấu của các gốc tự do.
Cùng với vai trò quan trọng đối với sức khỏe miễn dịch, vitamin C cũng có thể bảo vệ da chống lão hóa bằng cách hạn chế tổn thương do tiếp xúc với tia cực tím.
Dứa cung cấp 50% lượng vitamin C khuyến cáo hằng ngày cho cơ thể. Vitamin C là chất chống oxy hóa hòa tan trong nước tiểu giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào, chống lại các vấn đề về tim mạch, đau xương khớp.
Hàm lượng mangan trong dứa có thể giúp thúc đẩy xương và cơ thể phát triển cao lớn, rất hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh loãng xương ở phụ nữ sau khi mãn kinh.
Dứa có thể giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, căn bệnh ảnh hưởng đến mắt ở những người cao tuổi do chứa hàm lượng vitamin C và chất chống oxy hóa cao.
Dứa rất giàu chất xơ, giúp bảo vệ đường ruột ổn định. Ngoài ra, lượng bromelain trong dứa, loại enzyme phân hủy protein hiệu quả, cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa các vấn đề tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy...
Một khẩu phần dứa cung cấp 2,3g chất xơ, có thể giúp tạo khối lượng phân và đảm bảo nhu động ruột thường xuyên. Khi kết hợp chất xơ và bromelain, chúng hoạt động như một nhóm để khuyến khích tiêu hóa tối ưu.
Không nên ăn dứa khi đang uống thuốc kháng sinh
Ngoài những lợi ích của việc ăn dứa nói trên, bác sĩ Bạch Yến cũng lưu ý những tình huống có thể cần phải thận trọng khi ăn dứa. Cụ thể, dứa có thể gây ra phản ứng bất lợi cho một số người.
Phản ứng của cơ thể bao gồm kích ứng (bỏng hoặc đau) trong miệng do hàm lượng bromelain của dứa và độ pH có tính axit; dị ứng (ngứa hoặc sưng môi, má, lưỡi…); một số trường hợp hiếm hoi xảy ra sốc phản vệ (thở khò khè hoặc không thở được).
Có thể có dị ứng nhẹ như sưng môi, má và lưỡi… có thể tự khỏi sau vài giờ. Nếu sưng kèm theo phát ban, nổi mề đay hoặc khó thở, có thể đã bị dị ứng nặng. Trong trường hợp này cần ngừng ăn và đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Sau khi ăn dứa, bromelain có thể kích thích cơ thể sản sinh ra các histamine, gây các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nổi mề đay, ngứa ngáy khó chịu, thậm chí khó thở.
Người có tiền sử cơ địa dị ứng như mề đay, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa… nên hạn chế ăn dứa để không làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Dứa là loại trái cây có lượng đường và carbohydrate rất cao, vì vậy khi ăn quá nhiều dứa có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu của cơ thể.
Đặc tính axit cao của dứa có thể gây ra quá trình hóa học trong miệng khi ăn, làm mềm răng, gây sâu răng, đặc biệt với người đang có vấn đề về răng miệng. Dấu hiệu sau khi ăn dứa thông thường là đau răng và ê buốt khi ăn đồ ăn nóng hoặc lạnh.
Người bị bệnh dạ dày không nên ăn nhiều dứa, chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ bởi dứa có chứa nhiều axit hữu cơ và một số enzyme làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày, đường ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.
Vì dứa có nhiều chất xơ nên những người có vấn đề về tiêu hóa không nên ăn quá nhiều. Ăn một lượng lớn thực phẩm chứa chất xơ cũng có thể gây ra một số khó chịu về đường tiêu hóa, đặc biệt nếu chế độ ăn ít chất xơ thường được tiêu thụ.
Bromelain có trong dứa là một loại enzyme có khả năng tương tác với một số loại thuốc nhất định.
Không nên ăn dứa khi đang uống thuốc kháng sinh, chống đông máu, chống co giật, thuốc làm loãng máu, trầm cảm hoặc mất ngủ.
Ăn nhiều dứa có thể bị rát lưỡi, thậm chí dị ứng do có tính axit. Ăn quá nhiều dứa còn có thể làm tăng liều lượng lớn các enzyme bromelain trong cơ thể phụ nữ mang thai, kích thích co thắt tử cung, dẫn đến sẩy thai.
Dứa là trái cây nhiều nước, mát, rất thích hợp trong mùa hè. Tuy nhiên, nếu ăn khi đói sẽ khiến cơ thể bị nôn nao, khó chịu. Nguyên nhân là do các chất hữu cơ và bromelin có trong dứa tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột.
"Bạn có thể ăn dứa thường xuyên, nhưng mỗi người không nên ăn quá 2 trái dứa/ngày", bác sĩ Bạch Yến khuyên.
Người bệnh đái tháo đường có cần kiêng ăn dứa?
Trái cây có vị ngọt, bao gồm cả quả dứa chứa lượng đường tự nhiên cao. Điều đó khiến nhiều người bị (hoặc có nguy cơ) mắc đái tháo đường nghĩ rằng nên hạn chế dứa, nhưng không phải vậy. Người bị đái tháo đường vẫn có thể ăn dứa.
Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng về cách tính lượng carbs của dứa và đưa loại trái cây này vào khẩu phần ăn uống với một lượng vừa đủ.
Cần biết - Tại tỉnh Sóc Trăng, giá ổi đã tăng trở lại sau một thời gian rớt thê thảm do những tin đồn thất thiệt.