Con gái khác của ông Thanh là Trần Ngọc Bích cũng bị khởi tố với cùng tội danh.
Việc khởi tố cha con ông Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích (cùng là phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát) sau khi có nhiều đơn tố cáo và được Bộ Công an giao Cơ quan cảnh sát điều tra (C01) thụ lý từ ba năm trước, liên quan nhiều bất động sản có giá trị lớn tại TP.HCM và Đồng Nai.
Nhiều cá nhân tố cáo
Theo C01, cơ quan này thụ lý đơn tố cáo của nhiều người với cha con ông Trần Quí Thanh như: ông Lê Văn Lâm (tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Chung (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) và ông Lâm Sơn Hoàng (ngụ Phú Nhuận, TP.HCM). Cùng bị tố cáo với cha con ông Thanh là một số cá nhân khác.
Các cá nhân đứng đơn tố cáo các sự việc khác nhau nhưng đều có điểm chung là từng vay tiền của ông Trần Quí Thanh và họ cho rằng sau đó bị "ép" phải chuyển nhượng bất động sản cho ông Thanh hoặc con gái, hay công ty do ông Thanh chỉ định.
Chẳng hạn với hai khu đất làm dự án khu dân cư Minh Thành, Nhơn Thành tại tỉnh Đồng Nai, Công ty Kim Oanh cho rằng bản chất là từ trước đây họ chủ động thỏa thuận mua đất của hai cá nhân.
Do thiếu tiền nên Công ty Kim Oanh đã vay của ông Trần Quí Thanh 350 tỉ đồng và trả lãi, "thế chấp" bằng hai dự án. Việc "thế chấp" được thể hiện bằng hợp đồng giả cách (hợp đồng được lập để che đậy cho một giao dịch khác) là phải chuyển nhượng khu đất cho cá nhân, công ty do ông Thanh chỉ định.
Thế nhưng sau này, ông Thanh không đồng ý chuyển nhượng lại các khu đất nói trên cho người vay, khi giá trị khu đất đã tăng vọt lên tới hàng ngàn tỉ đồng do biến động của thị trường.
Tương tự, trong đơn tố cáo, ông Nguyễn Văn Chung (37 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết vay tiền của bà Trần Uyên Phương và ký "hợp đồng giả cách" chuyển nhượng lô đất hàng ngàn mét vuông tại quận Bình Tân nhưng sau đó không được nhận lại đất.
Hay như ông Lâm Sơn Hoàng (63 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cũng làm đơn tố cáo cho rằng từng vay tiền của cha con ông Thanh, bà Phương và thế chấp bằng các "hợp đồng giả cách" chuyển nhượng nhiều lô đất tại thành phố Thủ Đức, sau đó bị mất đất.
Ngăn chặn nhiều bất động sản
Vào cuộc điều tra, Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu ngăn chặn nhiều bất động sản (phần lớn đứng tên bà Trần Uyên Phương và gia đình ông Trần Quí Thanh) tại TP.HCM và các dự án khu dân cư liên quan tố cáo tại tỉnh Đồng Nai. Bộ Công an cũng nhiều lần mời ông Thanh và các cá nhân liên quan lên làm việc.
Trả lời Tuổi Trẻ trước đây về việc Bộ Công an thụ lý các đơn tố cáo, luật sư đại diện cho gia đình ông Trần Quí Thanh, bà Trần Uyên Phương cho rằng "các giao dịch bà Trần Uyên Phương đã thực hiện không phải là giả cách, hoàn toàn là sự tự nguyện của các bên, thậm chí xuất phát từ sự chủ động đề xuất của đối tác...".
Luật sư khẳng định các sự việc trên không liên quan đến Tập đoàn Tân Hiệp Phát, mà chỉ là giao dịch giữa các cá nhân với nhau. Luật sư cũng cho rằng khi xuất hiện tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, xác minh để giải quyết đơn tố cáo và đây là sự việc bình thường, chưa hẳn đồng nghĩa với việc người bị tố cáo vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, tới nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho hay đủ căn cứ xác định hành vi của ông Thanh và hai con gái Phương, Bích đã cấu thành tội phạm "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4 điều 175 Bộ luật hình sự nên đã khởi tố bị can để điều tra.
Bà Trần Uyên Phương bị Công an TP.HCM điều tra hành vi trốn thuế
Ngày 6-3, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM xác nhận đã nhận được văn bản của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đang xác minh, điều tra hành vi trốn thuế và giúp sức cho người khác trốn thuế của bà Trần Uyên Phương - phó tổng giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát.
Bà Phương bị nghi khai báo sai giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất, có dấu hiệu phạm tội "trốn thuế", quy định tại điều 200 Bộ luật hình sự.
Công an TP.HCM đề nghị Cục Thuế TP.HCM cử giám định viên tiến hành giám định về giá đất và chênh lệch tiền thuế tại thời điểm thỏa thuận chuyển nhượng. Đồng thời cũng giám định số tiền trốn thuế chênh lệch, các loại thuế phát sinh đã trốn trong chuyển nhượng bất động sản.
Theo Công an TP.HCM, bà Phương cùng một số cá nhân khác đã sử dụng tài liệu là các "hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" được công chứng viên chứng nhận, vào sổ công chứng tại Văn phòng công chứng Hoàng Xuân Ngụ, quận 5, TP.HCM ghi nhận không đúng số tiền thực tế chuyển nhượng đối với quyền sử dụng đất, gây thất thu số tiền thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng.
H.ĐIỆP - A.HỒNG
Hơn 3 năm điều tra
* Cuối năm 2020: nhiều cá nhân tố cáo tới Bộ Công an rằng ông Trần Quí Thanh, hai con gái và nhiều cá nhân khác "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "trốn thuế", "cưỡng đoạt tài sản".
* Tháng 12-2020: C01 đề nghị ngăn chặn hàng loạt bất động sản liên quan bà Trần Uyên Phương tại TP.HCM và Đồng Nai.
* Tháng 3-2021: C01 đề nghị cung cấp các hợp đồng công chứng nhận chuyển nhượng đất của cha con ông Thanh.
* Tháng 3-2021: C01 khởi tố vụ án liên quan đơn tố cáo gia đình ông Thanh.
* Tháng 11-2022: C01 tạm đình chỉ vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", vì hết thời hạn điều tra và cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác giám định, trong đó cần làm rõ giám định thiệt hại liên quan đến những vấn đề bị tố cáo.
* Ngày 8-4-2023: C01 ra quyết định khởi tố bị can đối với ba cha con Thanh, Phương, Bích để điều tra về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
* Ngày 10-4-2023: sau khi được Viện KSND tối cao phê chuẩn, cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, lệnh tạm giam với hai cha con Thanh, Phương và khám xét nơi ở, chỗ làm việc của cả ba cha con.
BÁ SƠN
Khám xét Công ty Tân Hiệp Phát và nhiều địa điểm
Từ ngày 8 đến 10-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Quí Thanh và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành lệnh bắt tạm giam với ông Thanh và bà Phương. Các quyết định, lệnh này đã được Viện KSND tối cao phê chuẩn.
Tối 10-4, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều lực lượng của Bộ Công an và Công an tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục làm việc tại trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát nằm trên quốc lộ 13, thuộc phường Vĩnh Phú, TP Thuận An.
C01 là đơn vị chủ trì điều tra, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại chín địa điểm của ba cha con ông Thanh. Trong đó trụ sở trên quốc lộ 13, tỉnh Bình Dương là trụ sở chính của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Từ chiều cùng ngày, rất nhiều xe biển xanh của Bộ Công an (gồm cảnh sát cơ động, cán bộ điều tra...) cùng sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông, cơ động, lực lượng hỗ trợ địa phương đã có mặt tại trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát. Việc khám xét diễn ra nhiều giờ. Theo ghi nhận, bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt khu vực khám xét, các công nhân của Công ty Tân Hiệp Phát vẫn được đi qua cổng công ty.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện truyền thông của Công ty Tân Hiệp Phát cho biết đang có mặt tại trụ sở công ty nhưng hiện công ty chưa cung cấp thông tin, phản hồi gì về sự việc trên.
MINH HÒA - BÁ SƠN
Sau khi tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ba cha con ông Trần Quí Thanh, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an với sự hỗ trợ của Công an tỉnh Bình Dương đã khám xét trụ sở Công ty Tân Hiệp Phát suốt nhiều giờ.
Xem thêm: mth.58374445111403202-tab-ib-tahp-peih-nat-uhc-gno-noc-ahc-oas-iv/nv.ertiout