Nhạc Trịnh là một trong những chất liệu được đưa vào đêm nhạc giao thoa giữa nhạc giao hưởng và EDM, giữa Đông và Tây, giữa âm nhạc cổ điển và hiện đại - trong đêm nhạc Bamboo Concerto tối 30-3.
Đêm nhạc diễn ra tại Nhà hát Quân đội phía Nam (TP.HCM), với sự tham gia của nhạc trưởng 9X Dustin Tiêu và nhà sản xuất âm nhạc - DJ Huy Ngô, ca sĩ Viết Thu và Ngọc Khuê. Chương trình do Tùng Leo đạo diễn.
Tùng Leo làm mới nhạc Trịnh, Trịnh Vĩnh Trinh nói gì?
Đạo diễn Tùng Leo cho biết mashup Đường xa vạn dặm - Người ở đừng về là tiết mục được ban tổ chức ấp ủ nhiều.
"Ngày 8-3 là ngày mất của mẹ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng ta vẫn nói về những bóng hồng trong cuộc đời nghệ sĩ, nhưng đôi khi người phụ nữ đẹp nhất trong cuộc đời là người mẹ" - anh dẫn.
Một phần tiết mục mashup Đường xa vạn dặm - Người ở đừng về - Video: MI LY
Từ cái tứ về người mẹ, anh muốn đưa cuộc trò chuyện âm dương, có tiếng đoàn tàu vang lên giữa tiết mục như nối liền câu gọi "Mẹ bỏ con đi, đường xa vạn dặm, người ơi người ở đừng về".
Nhà sản xuất Huy Ngô cho biết khi nhận "đề bài" làm mới nhạc Trịnh Công Sơn, anh rất áp lực và đã đến nhà bà Trịnh Vĩnh Trinh để tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác ca khúc Đường xa vạn dặm, tìm ý tưởng làm nhạc.
Anh đưa ra ý tưởng sử dụng tiếng đoàn tàu, "đoàn tàu âm dương" như để kết nối âm nhạc và dẫn câu chuyện đi, để nối sang Người ở đừng về.
Việc làm mới nhạc Trịnh dễ gặp ý kiến trái chiều, nhưng nhà sản xuất Huy Ngô cho biết tiêu chí của anh là phải phù hợp, giữ được tinh thần gốc và kể thêm câu chuyện của mình, chứ không phá đi ý nghĩa của bài hát.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh nói cảm nghĩ về tiết mục sau khi xem trong đêm Bamboo Concerto:
"Khi một bài hát của anh Sơn được thể hiện một cách mới mẻ, đó là điều rất vui. Viết Thu đã thể hiện bài Đường xa vạn dặm rất tốt. Sự kết hợp này tôi cho là hay.
Sắp tới, trong chương trình festival ở Huế, Tùng Leo cũng đưa ra sự kết hợp như vậy. Nhạc của anh Sơn sẽ được hát cùng tác giả khác.
Có người hỏi tôi thấy sao, tôi bảo như vậy rất là anh Sơn, anh luôn muốn nhạc của mình được chơi cùng với bạn bè. Nhạc cổ điển mình đã nghe nhiều rồi, ở đây kết hợp với điện tử và rất hay.
Có người từng kết hợp nhạc anh Sơn với EDM nhưng đêm nhạc này, nhóm chơi nhạc này làm hay". Chị dành lời khen cho nhạc trưởng Dustin Tiêu và dàn nhạc Imagination Philharmonic Orchestra (IPO).
Hình ảnh Đào, phở và piano vào tiết mục Người Hà Nội
Trong chương trình, đạo diễn Tùng Leo cũng gửi lời cảm ơn đạo diễn Phi Tiến Sơn đã cho phép anh sử dụng các hình ảnh từ bộ phim Đào, phở và piano để chiếu lên màn hình minh họa cho tiết mục Người Hà Nội do ca sĩ Viết Thu hát cùng dàn nhạc.
Đó là hình ảnh người lính cảm tử ôm bom ba càng lao vào xe tăng Pháp, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hình ảnh đoàn quân hành quân lên Điện Biên trong đêm có Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến...
Bamboo Concerto dự kiến bao gồm nhiều đêm nhạc, nhằm mục đích tạo nên một không gian thưởng thức nghệ thuật đa dạng.
Để giao thoa giữa nghệ thuật cổ điển và đương đại, giữa các giá trị âm nhạc Việt Nam và quốc tế, chương trình tập hợp IPO do nhạc trưởng 9X Dustin Tiêu đứng đầu và phần EDM của nhà sản xuất âm nhạc - DJ Huy Ngô.
Phần ý tưởng và câu chuyện âm nhạc do Đạo diễn Tùng Leo đảm nhận.
Chương một là các bản nhạc kinh điển của thế giới được kết hợp với EDM như Symphony No.5 "Fate" của Beethoven, Summer - Winter from Four Seasons của Vivaldi, Hungarian Dance No.5 của Brahms, Symphony No.40 của Mozart.
Chương hai và ba là cuộc "đối thoại" của âm nhạc Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Thi, Văn Thành Nho, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến... và dân ca quan họ Bắc Ninh.
Đó là các ca khúc Người Hà Nội, Chào em cô gái Lam Hồng, Hạ trắng, Đường xa vạn dặm... do Viết Thu hát; Người ở đừng về, Chuồn chuồn ớt, Cặp ba lá, Bà tôi, Qua cầu gió bay, Giọt sương bay lên... do Ngọc Khuê hát.
Mới đây trong một chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói 'đã đến lúc nhạc Trịnh cần thay áo' và 'chuyển giao dần cho các bạn trẻ'.