TAL: Nhu cầu vốn rất lớn
Hơn 297 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán TAL đã được Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) đưa vào giao dịch trên UPCoM ngày 9/1/2024, giá từ đó đến nay dao động quanh mức 24.000 đồng/cổ phiếu.
Hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản đang chiếm tỷ trọng khoảng 80% doanh thu và lợi nhuận của Taseco Land. Doanh nghiệp định hướng chiến lược những năm tới là tăng tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh hạ tầng bất động sản khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Taseco Land có kế hoạch khởi công thêm 7 dự án lớn với tổng mức tổng tư gần 20.000 tỷ đồng, trong đó có Landmark 55 (5.934 tỷ đồng), Tổ hợp văn phòng kết hợp thương mại, dịch vụ tại Tây Hồ Tây (1.730 tỷ đồng), Khu đô thị mới phía Nam Duy Tiên (4.764 tỷ đồng).
Về lĩnh vực hạ tầng, tháng 11/2023, Taseco Land đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu vực công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, với tổng mức đầu tư 2.320 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2024.
Với nhiều dự án chuẩn bị khởi công, Taseco Land có nhu cầu vốn rất lớn, trong bối cảnh bất động sản là lĩnh vực khó huy động vốn, trong khi vốn chủ sở hữu theo báo cáo gần nhất là 3.825 tỷ đồng, nợ phải trả 6.234,5 tỷ đồng.
Năm 2023, Taseco Land ước đạt doanh thu 3.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 470 tỷ đồng, lần lượt bằng 98% và 94% kế hoạch.
QNP: Niêm yết đúng giai đoạn ngành cảng hưởng lợi
Sau 7 năm với nhiều lần nộp, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ niêm yết, đến tháng 12/2023, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã chứng khoán QNP) đã được HOSE cấp phép niêm yết. Giá cổ phiếu QNP tăng trần trong phiên chào sàn ngày 18/1/2024 cũng như phiên sau đó.
Đây là doanh nghiệp khai thác cảng và hoạt động dịch vụ cảng Quy Nhơn, với hơn 75% vốn thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Cảng Quy Nhơn niêm yết đúng thời điểm thị trường đánh giá các doanh nghiệp ngành khai thác cảng sẽ được hưởng lợi từ việc áp dụng quy định mới về mức khung giá cước nâng hạ container và các dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024. Quy định mới có thể giúp các doanh nghiệp cảng tăng giá cước nâng hạ và giảm cạnh tranh về giá giữa các cảng nhằm thu hút khách hàng và sản lượng qua cảng.
Trong năm 2024, Công ty định hướng mở rộng thị trường hàng hóa thông qua cảng đến các tỉnh Tây Nguyên, khu vực giáp biên giới nước Lào, Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh, cửa khẩu Bờ Y; giải quyết tình trạng thiếu hụt container rỗng đảm bảo cho sự tăng trưởng trên tuyến châu Mỹ, châu Âu; phát triển thêm tối thiểu 1 tuyến dịch vụ mới kết nối trực tiếp giữa Cảng Quy Nhơn đến các cảng khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Năm nay, Cảng Quy Nhơn đặt kế hoạch đạt 1.122,7 tỷ đồng doanh thu và 176 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trên vốn điều lệ hơn 404 tỷ đồng.
AAH: Doanh nghiệp than tư nhân duy nhất trên sàn
Cổ phiếu AAH của Công ty cổ phần Hợp Nhất (vốn điều lệ 1.179 tỷ đồng) tăng giá mạnh sau khi chào sàn UPCoM ngày 11/1/2024.
Khác với các doanh nghiệp than trên sàn chịu sự quản lý và điều tiết về giá bán của các tập đoàn, cơ quan nhà nước, Hợp Nhất thuộc sở hữu tư nhân, có lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường, chủ động trong nguồn khai thác.
Tuy nhiên, giai đoạn 2019 - 2021, Hợp Nhất liên tục thua lỗ, đến năm 2022, nhờ giá than tăng cao nên lãi đột biến 102 tỷ đồng. Trong năm 2023, Công ty ước đạt doanh thu 243,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20,3 tỷ đồng, lần lượt bằng 16,8% và 18,4% kế hoạch.