vĐồng tin tức tài chính 365

Nạn “chặt chém” du khách - “con sâu” cần xử lý mạnh tay của ngành du lịch Việt

2024-03-31 18:11

Có thể nói, nạn chặt chém những năm qua biến tướng “muôn hình vạn trạng”, nó diễn ra từ vỉa hè cho đến nhà hàng khách sạn, các khu vui chơi giải trí sầm uất, bãi biển, khu du lịch… hiện tượng “chặt chém” khách du lịch hiện nay không phải là đa số nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh du lịch của Thủ đô.

Tiêu dùng & Dư luận - Nạn “chặt chém” du khách - “con sâu” cần xử lý mạnh tay của ngành du lịch Việt

Đầu năm 2024 cho thấy ngành du lịch Thủ đô đang có tín hiệu khởi sắc.

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Vừa qua, UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) đã làm việc và xử phạt hành chính về lỗi bán hàng rong và không niêm yết giá đối với người bán hàng rong có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng. 

Tại buổi làm việc, người phụ nữ bán hàng tên là B.T.L (thường trú ở xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, hiện tạm trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đã thừa nhận hành vi ứng xử của mình là không đúng, đồng thời, bày tỏ sự hối hận và xin lỗi vì đã tạo hình ảnh không đẹp về Thủ đô Hà Nội đối với du khách nước ngoài. 

Chị L cho biết, sau khi nhận thấy việc bán cho khách với mức giá 200.000 đồng là không đúng, chị đã trả lại tiền cho hai vị khách. Chị L cam kết sẽ không tái phạm.

Trước đó cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm cũng đã xử phạt người bán hàng rong tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm có hành vi "chặt chém" du khách tại hồ Hoàn Kiếm. Khi làm việc với Công an phường Lý Thái Tổ, người này thừa nhận đã bán 4 chiếc bánh rán với giá 50.000 đồng cho 2 vị khách nước ngoài và bày tỏ sự hối hận vì đã tạo hình ảnh không đẹp về Hà Nội đối với du khách.

Tiêu dùng & Dư luận - Nạn “chặt chém” du khách - “con sâu” cần xử lý mạnh tay của ngành du lịch Việt (Hình 2).
Người phụ nữ có ý định bán túi táo nhỏ cho khách du lịch nước ngoài với giá 200.000 đồng đã bị lực lượng Công an xử phạt vi phạm.

Còn khá nhiều vụ "xấu xí" nữa có thể kể ra, như việc Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tiến hành xử phạt một tài xế thu của khách du lịch nước ngoài 500.000 đồng cho quãng đường 3km…

Cụ thể, tại Khách sạn Apricot (địa chỉ tại 136 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), một hành khách người Mỹ đã nhờ nhân viên khách sạn gọi xe taxi để di chuyển đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Sau khi kết thúc cung đường chỉ khoảng 3km, tài xế đưa 5 ngón tay ra hiệu số tiền, vị khách liền đưa 500.000 đồng nhưng không được trả lại tiền thừa.

Khi về khách sạn, hành khách đã phàn nàn với nhân viên khách sạn về số tiền tài xế taxi đã thu. Nhân viên khách sạn đã kiểm tra lại hình ảnh qua camera và thu nhận được thông tin về xe taxi có logo Taxi Hà Nội. 

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sau đó đã mời tài xế đưa phương tiện về trụ sở để làm việc. Tài xế đã thừa nhận sai phạm của mình. Tài xế đã trả lại tiền thừa và xin lỗi vị khách người Mỹ; đồng thời, chịu mức xử phạt hơn 12 triệu đồng.

Tất cả những sự việc này không chỉ cho thấy sự tham lam, vô đạo đức mà còn làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

"Chặt chém" du khách là hành vi đáng bị xã hội lên án

Phản ánh về nội dung này, đại diện Công ty Du lịch Khát Vọng Việt cho rằng, tình trạng “chặt chém” du khách những năm qua là một trong những nguyên nhân khiến khách du lịch đến Thủ đô đã một đi không trở lại. Không chỉ với khách quốc tế mà nhiều du khách trong nước cũng rất đắn đo mỗi khi lên kế hoạch đi du lịch, ghé thăm các điểm đến nổi tiếng tại Hà Nội. 

“Du khách quốc tế đến Việt Nam du lịch để họ nghỉ dưỡng, để tìm hiểu khám phá phong tục tập quán, văn hóa của con người nơi đây nhưng họ lại gặp những trường hợp ‘chặt chém’ gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như suy nghĩ của họ khi đến đất nước mình và có lẽ điều đó cũng khiến cho một số du khách không còn chọn Việt Nam làm điểm đến nữa", bà Phạm Thị Thơm - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Khát Vọng Việt nói.

Tiêu dùng & Dư luận - Nạn “chặt chém” du khách - “con sâu” cần xử lý mạnh tay của ngành du lịch Việt (Hình 3).

Bà Phạm Thị Thơm - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Khát Vọng Việt.

Đứng ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết hệ lụy của việc "chặt chém" làm xấu đi hình ảnh của các điểm đến du lịch. Từ tâm lý không thoải mái, du khách sẽ bị ác cảm với điểm đến, rồi tuyên truyền với những người thân, bạn bè về tình trạng này, đồng thời cảnh báo thận trọng từ đó làm mất đi tính hấp dẫn của điểm đến du lịch.

“Theo tôi nguyên nhân xảy ra tình trạng chặt chém chủ yếu là do chính người cung cấp dịch vụ chưa nhận thức hết về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm về mặt pháp luật khi tham gia vào thị trường du lịch. 

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển xã hội, vì vậy chỉ một hình ảnh xấu lan truyền trên internet thì mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay”, Ông Trung cho hay.

Cần xử lý tận gốc

Số liệu của Cục Thống kê TP. Hà Nội đầu năm 2024 cho thấy, ngành du lịch Thủ đô đang có tín hiệu khởi sắc, ghi nhận những nỗ lực của Ngành du lịch Hà Nội trong việc xây dựng nhiều chương trình, sự kiện, sản phẩm mới hấp dẫn.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 4,23 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 890.000 lượt, tăng 52,4% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 3,34 triệu lượt, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng cao nên tổng thu từ khách du lịch đạt 16.416 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tiêu dùng & Dư luận - Nạn “chặt chém” du khách - “con sâu” cần xử lý mạnh tay của ngành du lịch Việt (Hình 4).
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Nhìn chung môi trường du lịch ở Thủ đô đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Những sự vụ gần đây được xem là "con sâu bỏ rầu nồi canh", do đó, cần triển khai các biện pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng này. 

Đề cập đến giải pháp tình trạng "chặt chém" du khách nêu trên, PGS.TS. Phạm Ngọc Trung cho rằng tại các điểm du lịch, yêu cầu người bán phải đăng ký thông tin sản phẩm, cam kết giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết công khai giá bán để khách hàng "thuận mua vừa bán". 

Đồng quan điểm Phó Giám đốc Công ty Du lịch Khát Vọng Việt cho hay, để hạn chế việc kinh doanh chộp giật, làm xấu hình ảnh du lịch Thủ đô trong mắt du khách, trước hết là sự vào cuộc kịp thời của cơ quan quản lý, cần làm hết trách nhiệm để ngăn chặn tệ nạn này. Ngoài ra, cũng cần có những định hướng kinh doanh cho người dân song song với giáo dục về nhận thức, văn hóa ứng xử đối với du khách.

 “Nếu phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được phản ánh từ du khách, các lực lượng cần kiên quyết xử lý mạnh để răn đe những người bán khác”, chị Thơm bộc bạch.

Có thể xử lý hình sự hành vi “chặt chém"

Theo Luật sư Đỗ Mạnh Hùng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết hành vi chặt chém khách du lịch còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Nếu qua quá trình điều tra xác định có bằng chứng, lời khai, có cơ sở xác định khi các du khách phản đối mức giá cao bất thường, không đồng ý trả tiền, cá nhân hăm dọa hoặc đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc những thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khiến cho du khách lo sợ cho tính mạng, sức khỏe, tinh thần nên buộc phải trả tiền thì có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản.

Tiêu dùng & Dư luận - Nạn “chặt chém” du khách - “con sâu” cần xử lý mạnh tay của ngành du lịch Việt (Hình 5).
Hành vi "chặt chém" khách du lịch có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư nhấn mạnh, sự việc chặt chém khách du lịch “Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” - đây là một tình tiết tăng nặng nên các cá nhân có thể phải chịu mức án lên đến 10 năm tù.

Ngoài ra, hành vi chặt chém khách du lịch còn có dấu hiệu cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, các mức hình phạt phụ thuộc vào tính chất hành vi và số tiền bị chiếm đoạt được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Hơn nữa, trong việc kinh doanh, buôn bán, các tổ chức, cá nhân có những hành vi cân đong đo đếm, tính gian, … gây thiệt hại cho khách hàng thì có thể bị xử lý về tội Lừa dối khách hàng quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự.

Kim Thoa

“Điều 198. Tội lừa dối khách hàng

  1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
  2. a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  3. b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
  5. a) Có tổ chức;
  6. b) Có tính chất chuyên nghiệp;
  7. c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
  8. d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
  9. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Xem thêm: lmth.414656a-hcil-ud-hnagn-auc-yat-hnam-yl-ux-nac-uas-noc-hcahk-ud-mehc-tahc/nv.nitaudiougn.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nạn “chặt chém” du khách - “con sâu” cần xử lý mạnh tay của ngành du lịch Việt”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools