Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ tin tưởng: Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23-5 tới đây sẽ là “ngày hội của toàn dân”.
Ông Lềnh khẳng định: “Nhà nước không hạn chế quyền hiến định về ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND của bất kể công dân nào đủ điều kiện”.
Tăng chuyên trách, giảm kiêm nhiệm
. Phóng viên: Thưa ông, vậy cho đến nay, các công tác về bầu cử đã được MTTQ Việt Nam các cấp chuẩn bị ra sao, thu được những kết quả nào?
+ Ông Hầu A Lềnh: Trước hết phải nói rằng kế thừa kinh nghiệm và thành công của những cuộc bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp các khóa trước đây, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 45/2020 về lãnh đạo bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp từ rất sớm (tháng 6-2020). Chỉ thị này là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Qh, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành các nghị quyết và văn bản hướng dẫn rất kịp thời.
Công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Qh với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ trong việc ban hành các nghị quyết liên tịch hướng dẫn về quy trình tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND là rất tốt. Các văn bản hướng dẫn này đã kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong tình hình COVID-19 ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.
Chính vì vậy mà các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã diễn ra rất dân chủ, đúng luật và đảm bảo đúng thời gian quy định.
. Theo quy định thì số lượng ĐBQH khóa XV là 500, về con số không đổi so với khóa trước, vậy bầu cử kỳ này có những nội dung mới nào đáng lưu ý, thưa ông?
+ Số lượng ĐBQH thì không có gì thay đổi nhưng cơ cấu ĐBQH có những thay đổi sau khi Luật Tổ chức QH được sửa đổi năm 2020. Điểm nhấn quan trọng là việc tăng ĐBQH chuyên trách đã được luật hóa.
Bộ Chính trị khóa XII trong Chỉ thị 45/2020 cũng đã nói rất rõ về tỉ lệ các thành phần trong cơ cấu ĐBQH. Luật Tổ chức QH cũng có những điểm nhấn quan trọng như ấn định tỉ lệ 5% ĐBQH là các chuyên gia, nhà khoa học. Như vậy thì số lượng ĐB ở Trung ương, ĐB là nhà khoa học sẽ tăng lên để phục vụ cho công tác lập pháp, mà cụ thể là tăng ĐB chuyên trách là nhà khoa học, chuyên gia để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và thẩm định các dự luật, dự thảo nghị quyết ở QH. Mỗi một nhiệm kỳ QH chúng ta đều có sự tính toán để phân định một tỉ lệ các ĐBQH theo thành phần để phục vụ sự phát triển của đất nước.
. Tăng ĐB chuyên trách cũng có nghĩa là ĐB ở các khối khác sẽ giảm đi, thưa ông?
+ Điều đó là đương nhiên. Cụ thể là ĐBQH khóa XV của khối hành pháp, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, MTTQ cũng giảm hai ĐB so với QH khóa XIV. Đây là một việc làm cần thiết trong nhiệm kỳ này. Chúng tôi thấy rằng như thế là rất phù hợp. Bởi vì các cơ quan hành pháp, cơ quan chấp hành thực hiện các nghị quyết của QH thì cũng không nhất thiết là phải đầy đủ ĐB ở tất cả bộ, ngành, các cơ quan. Tư pháp cũng vậy.
Cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an nhân dân bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại khu vực bỏ phiếu số 8, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Hiểu sao về tính đại diện của ĐBQH?
. Qh của ta mang tính “đại diện - cơ cấu”. Mới đây, ở hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, một số ý kiến cho rằng cần tăng ĐB ngoài đảng. Ông nghĩ sao?
+ Chỉ thị 45/2020 của Bộ Chính trị khóa XII cũng đã nói rất rõ. Một số cơ cấu quan trọng như tỉ lệ ĐBQH ngoài Đảng 5%-10%, có nghĩa là cần phải đạt được 25-50 ĐBQH ngoài Đảng. Sau hội nghị hiệp thương lần một thì các địa phương cũng đã tổng hợp và có giới thiệu ĐB ngoài Đảng đạt khoảng trên 7%. Như vậy là tỉ lệ này cũng đạt trong khung mà Bộ Chính trị đã chỉ thị. Tuy vậy, chúng ta đều mong muốn tỉ lệ ĐBQH ngoài Đảng đạt được 10%. Tới đây, trong quá trình hiệp thương cũng như điều chỉnh lần hai thì chúng tôi cũng hy vọng là tỉ lệ này tăng lên.
. Còn các thành phần khác như doanh nghiệp, trí thức, nữ, trẻ, tôn giáo…
+ Chúng ta hiểu rằng khi nói tỉ lệ ĐB ngoài Đảng 5%-10%, ĐB nữ 35%, ĐB dân tộc thiểu số 18%... thì không có nghĩa là từng thành phần phải đạt được chừng ấy tỉ lệ ĐBQH. Những tiêu chí ấy có thể hội đủ ở một ĐB. Chẳng hạn như một ĐB có thể vừa là nữ, vừa trẻ, vừa là trí thức, nhà khoa học, vừa là dân tộc thiểu số. Cũng vậy, một ĐB có thể vừa đạt tiêu chí là trẻ, độc lập, ngoài đảng và tôn giáo. Về tiêu chí thì riêng biệt nhưng thường một ĐB sẽ đáp ứng được nhiều tiêu chí. Cơ cấu vì vậy mang tính kết hợp nhiều hơn.
. Như vậy liệu chúng ta có lo ngại là các dân tộc ở Việt Nam sẽ có dân tộc, thành phần không có ĐBQH?
+ Nguyên lý QH có thành phần dân tộc thì không có nghĩa là trong QH phải có đủ 54 ĐB của 54 thành phần dân tộc của Việt Nam, mà là các ĐB dân tộc có đủ điều kiện, tiêu chí đại diện cho các thành phần dân tộc hoặc là người của chính thành phần dân tộc đó. Tương tự, các tôn giáo cũng vậy, không phải tất cả tôn giáo được công nhận đều có ĐB, mà là có “thành phần tôn giáo”.
Chúng ta khẳng định rằng cuộc bầu cử QH khóa XV không bỏ sót thành phần nào. Và chắc chắn mọi dân tộc, mọi tổ chức, thành phần trong xã hội đều có ĐB của mình. Mặt khác, cần chú ý rằng: Hiến pháp và luật quy định ĐBQH là đại diện cho cử tri nơi bầu ra mình và nhân dân cả nước. Như vậy, khi cử tri bầu được một ĐBQH thì ĐBQH đó là ĐBQH cả nước.
Cơ cấu kết hợp và các mốc thời gian của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Đồ họa: NGUYỄN HƯNG
Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn
. Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa XII ông nhắc tới nói rằng: “Lấy tiêu chuẩn, chất lượng ĐB làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn” của ĐBQH.
+ Chúng tôi cho rằng chỉ đạo của Bộ Chính trị hết sức thông suốt từ đại hội Đảng cho đến bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặt tiêu chuẩn, chất lượng ĐBQH lên hàng đầu ra sao thì Chỉ thị 45/2020 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ và chúng ta tin tưởng không có chuyện giới thiệu những người không đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND các cấp.
MTTQ các cấp theo chức năng, thẩm quyền trong luật sẽ tiến hành giám sát quá trình giới thiệu những người ứng cử ở các cơ quan, đơn vị, địa phương để đảm bảo tiêu chuẩn này. Chúng tôi tin rằng nếu những người ứng cử được giới thiệu đáp ứng được tiêu chuẩn mà Bộ Chính trị đã quy định thì chắc chắn là chất lượng của QH khóa XV sẽ cao hơn nữa.
. Có một số ý kiến cho rằng việc ứng cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp có vẻ hơi “đóng khung”. Theo ông, quyền ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND đã được bảo đảm tốt nhất?
+ Chúng ta biết hiến pháp quy định: Công dân đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào QH, HĐND. Luật Bầu cử QH và HĐND các cấp chỉ quy định năm trường hợp không được ứng cử QH và HĐND như trong Điều 37 thôi. Đó là người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của tòa án nhưng chưa được xóa án tích; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Như thế, quyền ứng cử của công dân đã được quy định rõ ràng, minh bạch. Thực tế Nhà nước cũng không ngăn cản, hạn chế quyền ứng cử của công dân. Bất kể ai đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo hiến pháp, Luật Bầu cử QH và HĐND nộp hồ sơ đều được tiếp nhận mà không gặp cản trở gì.
Đương nhiên, khi công dân ứng cử thì phải tuân thủ các quy định trong luật. Chẳng hạn như phải tham dự các hội nghị cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc. Nếu đạt tỉ lệ cử tri đồng ý thì được giới thiệu ứng cử; nếu không đạt đủ thì trượt. Nếu trượt thì đó là do người đó không được cử tri tín nhiệm chứ không phải là do Nhà nước hạn chế hay tước quyền ứng cử. Các quy định về ứng cử QH và HĐND rất minh bạch, dân chủ.
. Xin cám ơn ông.
Trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức tự ứng cử . Thưa ông, đối với đảng viên, cán bộ, công chức…, việc tự ứng cử sẽ như thế nào? + Nguyên lý là khi anh đã thuộc một cơ quan, tổ chức nào đó thì anh phải theo quy định. Việc ứng cử của một cán bộ, đảng viên của một cơ quan, đoàn thể, như các quy định đã nói, phải được cơ quan, đơn vị quản lý đồng ý, xác nhận. Bởi bất kể cán bộ, đảng viên, công chức nào cũng chịu sự quản lý và việc ứng cử ấy phải được báo cáo với tổ chức. . Liệu điều này có tạo ra bất lợi hơn so với các công dân tự ứng cử? + Không phải! Một cán bộ, công chức trong việc ứng cử QH và HĐND trước hết phải tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến mình như Luật Cán bộ, công chức và các quy định của tổ chức. Khi đã được đơn vị, cơ quan, tổ chức đồng ý giới thiệu ứng cử rồi thì các quy định khác với người ứng cử không có gì khác biệt. Chẳng hạn như phải nộp hồ sơ, kê khai tài sản để nhân dân giám sát, phải tham dự các hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú, phải làm rõ và giải trình các vấn đề cử tri nêu về bản thân, về chương trình hành động. Và đương nhiên cũng phải vận động bầu cử theo các quy định của pháp luật. Như vậy, những công dân tự ứng cử cũng như người được cơ quan, đơn vị, tổ chức nhà nước, Đảng giới thiệu đều có những điều kiện như nhau, không bên nào “rộng cửa” hơn bên nào, từ hồ sơ, thủ tục cho đến các hoạt động bầu cử khác. |
HỌ ĐÃ NÓI
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:
Chọn lựa những đại biểu thật sự xứng đáng
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và cũng là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Đây là cơ hội để Nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những ĐB tiêu biểu, thật sự có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tại QH và HĐND các cấp. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
(Phát biểu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngày 4-2-2021)
Ông NGÔ SÁCH THỰC, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bắc Giang:
Nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH
Do đòi hỏi nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, chất lượng và tính chuyên nghiệp của ĐB phải được nâng lên.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH quy định tăng ĐB chuyên trách và giảm ĐB các khối khác, đặc biệt là khối hành pháp. Theo quy định, QH khóa XV có tổng số 500 ĐB, trong đó ĐB chuyên trách tăng từ 35% lên ít nhất 40% (tương ứng tăng khoảng 19 ĐB chuyên trách), nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH.
Một trong những điểm mới của lần bầu cử này là các ứng viên của HĐND được quyền tiếp xúc cử tri năm cuộc, ứng viên ĐBQH ít nhất 10 cuộc. Do những lần trước không quy định số lần tối thiểu nên số lần tiếp xúc cử tri giữa các ứng viên khác nhau, người nhiều người ít. Việc quy định rõ số lần tiếp xúc tối thiểu giúp cử tri có cơ hội tiếp xúc với ứng viên nhiều hơn, qua đó hiểu rõ hơn để cân nhắc lựa chọn khi đi bầu.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, ứng viên trình bày công khai chương trình hành động toàn khóa, lời hứa với cử tri. Đây là cơ hội bình đẳng cho các ứng viên được thể hiện mình.
Xu nịnh, kiêu ngạo… không được vào Quốc hội
Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và ĐB HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng ĐB làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH và đạt tỉ lệ ĐBQH chuyên trách.
(Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị khóa XII)