Người biểu tình đeo mặt nạ bà Aung San Suu Kyi giơ biểu tượng 3 ngón tay ở Yangon ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS
Ngày 1-3, tòa án bổ sung hai cáo buộc cho bà Suu Kyi. Cáo buộc đầu tiên liên quan đến bộ luật hình sự, trong đó có điều khoản cấm đăng tải thông tin có thể "gây sợ hãi hoặc báo động" cho công chúng. Cáo buộc thứ 2 liên quan đến luật viễn thông, trong đó quy định thiết bị phải có giấy phép.
Ban đầu bà Suu Kyi bị cáo buộc tàng trữ thiết bị điện tử bất hợp pháp. Sau đó, bà bị cáo buộc vi phạm luật quản lý thảm họa quốc gia.
Phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-3. Luật sư đại diện Min Min Soe của bà Suu Kyi nói với Hãng tin Reuters rằng bà Suu Kyi trông khỏe mạnh khi xuất hiện tại tòa qua video, dù có vẻ giảm cân một chút.
Lãnh đạo Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) không xuất hiện trước công chúng kể từ khi chính phủ của bà bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự ngày 1-2, sau đó bà bị giam cùng các lãnh đạo NLD khác.
Các nhân chứng cho biết khi bà Suu Kyi xuất hiện, cảnh sát thành phố Yangon đã sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán người biểu tình.
Người biểu tình bỏ chạy khi cảnh sát bắn hơi cay ở Yangon ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS
Hiện chưa có báo cáo về thương vong trong ngày 1-3 nhưng hôm qua, 28-2, là ngày biểu tình đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính 1-2, khi cảnh sát nổ súng vào đám đông, giết chết ít nhất 18 người.
"Đã một tháng kể từ đảo chính. Hôm qua họ đàn áp chúng tôi bằng các vụ xả súng. Hôm nay chúng tôi lại xuống đường", người đứng đầu nhóm biểu tình Ei Thinzar Maung viết trên Facebook.
Quân đội chưa đưa ra bình luận về thương vong ngày 28-2. Cảnh sát cũng như phát ngôn viên quân đội không trả lời cuộc gọi từ Reuters.
TTO - Người biểu tình Myanmar tiếp tục xuống đường vào ngày 1-3 để phản đối việc quân đội đàn áp khiến ít nhất 18 người thiệt mạng một ngày trước đó.