"Có thể do máy móc xáng cạp bị sự cố nên các anh em dừng nạo vét" là giải thích của lãnh đạo một doanh nghiệp khai thác cát về lý do hoạt động cầm chừng.
Trong khi đó, theo các địa phương và doanh nghiệp, nhiều người làm nghề xáng cạp khai thác cát cũng viện nhiều lý do để không làm, sau khi vụ khai thác cát lậu của Công ty Trung Hậu 68 bị phanh phui với hàng loạt cá nhân liên quan bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Giá cát "nhảy múa", doanh nghiệp điêu đứng
Ông H., một chủ thầu xây dựng tại thị xã Tân Châu, An Giang, cho biết nhiều công trình dân dụng nhà ở, trường học hay công trình san lấp trên địa bàn phải "đứng kim", do không mua được cát dù giá tăng hằng ngày.
Cụ thể, vào đầu tháng 8, giá cát mua từ người dân chở ghe bán vào khoảng 120.000 - 130.000 đồng/m3. "Đến nay giá cát đã lên 160.000 đồng/m3 nhưng có tiền cũng không mua được, nên các công trình bị đứng bánh hết", ông H. nói.
Theo ông Bùi Văn On - phó giám đốc Công ty Phúc Thành (thị xã Tân Châu), giá cát sắp tới sẽ tiếp tục tăng nữa vì nguồn cung đang khan hiếm. Thậm chí nhiều người phải mua cát Campuchia về san lấp nền, vì tìm nguồn cát khó khăn quá.
"Sau vụ khai thác cát trái phép bị Bộ Công an bắt, ai làm ngành cát cũng ngán ngại. Chỉ có mấy cây cần xáng cạp cung cấp cho hai tuyến cao tốc ở Đồng Tháp và một số dự án trọng điểm của Đồng Tháp nhưng lượng cát không nhiều như trước", ông On nói thêm.
Tại một số địa phương khác như TP Cần Thơ, Vĩnh Long và Sóc Trăng..., các doanh nghiệp xây dựng, san lấp mặt bằng dự án, cửa hàng vật liệu cũng "khóc ròng" vì giá cát tăng cao và khan hiếm.
Cụ thể, cát san lấp bán tại bãi có giá tương đương với cát xây dựng, khoảng 330.000 đồng/m3, tăng khoảng 10.000 đồng/m3 so với tuần trước nhưng nhiều điểm cung cấp cát cũng không còn hàng.
Chủ doanh nghiệp Diệu Nở (Vĩnh Long) cho biết bãi cát của công ty đã cạn sạch, nguồn cát kinh doanh được các doanh nghiệp khác chia sẻ lại.
Ông Nguyễn Anh Liêm - một nhà thầu xây dựng tại Sóc Trăng - cho biết gần một tháng nay, việc tìm mua cát san lấp còn khó hơn "lên trời".
Ông Liêm đã ký hợp đồng san lấp cho một dự án, nhưng nhiều ngày qua công việc đình trệ hoàn toàn do không mua được cát. "Tui chấp nhận mua cát san lấp với giá cao hơn, khổ nỗi tìm không được người bán. Tui đành năn nỉ cho kéo dài thời gian san lấp", ông Liêm than vãn.
Ông Phát Hùng - chủ một doanh nghiệp mua bán vật liệu xây dựng tại Sóc Trăng - cũng cho biết đã phải mua cát nhập khẩu với giá cao hơn khoảng 50.000 đồng/m3 để đảm bảo nguồn cung cấp cát xây dựng dân dụng.
"Nhưng không phải lúc nào cũng có, vận chuyển xa và họ làm chảnh, rất khổ sở", ông Hùng cho biết.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết nguồn cát cung cấp cho các công trình đang thiếu hụt, không đủ cung ứng cho nhiều công trình sử dụng ngân sách.
Riêng tuyến N1, đoạn Tân Châu - Châu Đốc còn thiếu 172.000m3 cát. "Vì nguồn cát không cung cấp kịp thời đã ảnh hưởng đến tiến độ. Các công trình do cấp huyện quản lý còn thiếu hụt cát nặng hơn nữa", vị này nói.
Ưu tiên cát xây đường cao tốc"
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Thanh Phương - giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp - cho biết Chính phủ giao Đồng Tháp phải cung ứng 7 triệu m3 cát cho tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Riêng trong năm 2023 phải cung cấp 3,3 triệu m3 cát.
Đến nay, Đồng Tháp đã cung cấp 371.000m3 cát. Từ nay đến hết tháng 12, Đồng Tháp vẫn đảm bảo cung ứng theo khối lượng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
"Trong năm 2024, Đồng Tháp sẽ tranh thủ các cơ chế đặc thù đối với các mỏ cát để nâng công suất 50%, cung ứng tiếp 3,7 triệu m3 cát nữa", ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, Đồng Tháp có 12 giấy phép khai thác cát. Nếu tính tổng tất cả các nguồn cát xây dựng, công trình trọng điểm của tỉnh và cao tốc, Đồng Tháp chỉ đáp ứng khoảng 40% nguồn cát, thiếu trên 10 triệu m3 cát.
"Chúng tôi chỉ ưu tiên nguồn cát cho cao tốc theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Vì nguồn cát hiện nay đang thiếu trầm trọng lắm. Sắp tới, đề nghị Chính phủ xem xét vật liệu nghiên cứu thay thế cát, tro xỉ hay cát biển gì đó để có giải pháp thay thế. Nguồn cát đang thiếu rất nhiều, không chỉ riêng Đồng Tháp mà các tỉnh thành ĐBSCL đều thiếu", ông Phương nói thêm.
Một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho hay sau vụ Bộ Công an bắt giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang liên quan đến sai phạm của Công ty Trung Hậu 68, địa phương này đã chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương rà soát, báo cáo tình hình về nguồn nguyên liệu cát theo yêu cầu của Bộ TN&MT cùng Bộ GTVT.
"Do giám đốc Sở TN&MT và cán bộ phòng chuyên môn phụ trách lĩnh vực cát đã bị bắt hết, chúng tôi phải rà soát lại trên địa bàn có bao nhiêu mỏ cát, trữ lượng còn lại bao nhiêu", một lãnh đạo Sở TN&MT An Giang nói.
Ông Nguyễn Văn Liệt - phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cũng cho biết Vĩnh Long cũng có mỏ cát nhưng chất lượng cát rất xấu, khi đưa vào san lấp công trình phải sàng lọc rất mệt.
"Thủ tướng đã có chỉ đạo phải ưu tiên nguồn cát san lấp cho các tuyến cao tốc nên các tỉnh phải ưu tiên việc này trước rồi mới tính toán các công trình khác sau. Chiều nay (21-8), các cơ quan tham mưu sẽ trình cho tôi ký kiến nghị gửi các bộ liên quan về việc có giải pháp cung cấp cát phục vụ các công trình", ông Liệt cho hay.
Ảnh hưởng dự án đường cao tốc
Trong năm 2023, Đồng Tháp dự kiến khai thác hơn 9 triệu m3 cát từ 16 giấy phép khai thác cát và nạo vét thông luồng trên sông Tiền, sông Hậu, trong đó, cung ứng cho dự án làm đường cao tốc là 4 triệu m3 cát.
An Giang cũng có 16 giấy phép khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu. Trong đó, có 8 giấy phép khai thác tại các mỏ cát với tổng trữ lượng trên 14,5 triệu m3 cát và 8 giấy phép nạo vét chỉnh trị dòng chảy trên các nhánh sông, dự kiến sẽ tận thu về trên 11,1 triệu m3 cát.
Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ GTVT, đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau qua huyện Thới Bình đang triển khai các hạng mục như cầu, cống, đường công vụ... nhưng phải chờ nguồn vật liệu cát.
Dù đã huy động tối đa thiết bị, máy móc và nhân sự thi công nhưng qua hơn 7 tháng thi công, sản lượng của dự án chỉ đạt gần 6% giá trị hợp đồng, chủ yếu do thiếu nguồn cát đắp nền đường.
Doanh nghiệp sợ, xáng cạp đứng yên
Lãnh đạo Phòng TN&MT thị xã Tân Châu, An Giang thừa nhận các công trình trên địa bàn được cung cấp cát chậm chạp do các dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy trên sông Tiền làm chậm. Có lúc các xáng cạp đứng yên không vận hành.
Giải thích lý do không nạo vét và cung cấp cát như phân bổ của UBND tỉnh An Giang, lãnh đạo Công ty TNHH Tân Hàng Châu (đang thực hiện dự án nạo vét trên sông Tiền, đoạn qua thị xã Tân Châu) cho rằng "Có thể do máy móc xáng cạp bị sự cố nên các anh em dừng nạo vét" (?!).
"Chúng tôi cung cấp cho bảy dự án trong và ngoài tỉnh nên đôi lúc chậm. Tôi sẽ kiểm tra và yêu cầu họ nạo vét để có nguồn cát cung cấp cho các công trình. Chúng tôi thực hiện nạo vét tận thu khoáng sản cung cấp cát cho vài công trình trong và ngoài tỉnh theo giá quy định của Nhà nước thôi", vị này nói.
Trong khi đó, theo một doanh nghiệp thực hiện nạo vét, chỉnh trị dòng chảy trên sông Hậu ở An Giang, sau khi Bộ Công an bắt nhiều người khai thác cát trong Công ty Trung Hậu 68, nhiều anh em làm nghề xáng cạp khai thác cát "sợ" nên viện nhiều lý do để không làm.
"Có lúc họ nói cha bệnh, mẹ bệnh hoặc cha bị "gãy chân" này nọ để xin nghỉ không làm. Nhưng thực chất không phải vậy. Còn chủ đầu tư nói thiếu cát là không đúng. Do các đơn vị thi công không chịu lấy cát hoặc lấy nhỏ giọt nên tiến độ chậm thôi", vị này khẳng định.
TTO - Mỏ cát trên sông Cổ Chiên - cách điểm sạt lở hơn 200m, được cho là rất đặc biệt - vừa bị yêu cầu dừng khai thác để đánh giá, tìm nguyên nhân.