Thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, hiện nắm quyền điều hành đất nước sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1-2. Myanmar đã mua nhiều vũ khí của Nga như máy bay tiêm kích MiG-29 và hệ thống tên lửa Pantsir-S1 - Ảnh: Nikkei/Reuters
Nhiều quốc gia phương Tây đã lên án cuộc đảo chính quân sự hôm 1-2 ở Myanmar. Chẳng hạn, tuyên bố từ các ngoại trưởng nhóm nước G7 "lên án cuộc đảo chính ở Myanmar" và kêu gọi "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những người bị bắt tùy tiện, gồm cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint".
Một số nước phương Tây như Mỹ còn dùng các biện pháp trừng phạt để can thiệp. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng qua, Nga và Trung Quốc - 2 trong số 5 thành viên thường trực vốn có quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) - vẫn không lên án.
Hồi tháng 2, Bắc Kinh và Matxcơva cũng chặn Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ đảo chính ở Myanmar. Hãng tin Reuters ngày 4-3 dẫn đánh giá của các nhà ngoại giao cho rằng trong câu chuyện Myanmar, bất kỳ hành động nào vượt xa tuyên bố ở Hội đồng Bảo an LHQ đều khó xảy ra.
Vậy tại sao Nga và Trung Quốc không lên án cuộc đảo chính quân sự trên?
Nga - "người bạn trung thành"
Về mặt chính thức, ông Stepan Kuzmenkov, thành viên phái đoàn Nga tại LHQ, nói rằng việc giải quyết những bất đồng giữa các lực lượng chính trị Myanmar "hoàn toàn là chuyện nội bộ của quốc gia có chủ quyền này", theo Hãng tin Tass.
Tuy nhiên, theo tạp chí Nikkei Asia, những đoàn xe quân sự xuất hiện trên truyền hình vào những giờ đầu của cuộc đảo chính hôm 1-2 đã tiết lộ mối quan hệ đang sâu đậm giữa Myanmar và Nga.
Nhiều xe bọc thép hạng nhẹ xuất hiện trên đường phố Myanmar được sản xuất ở Nga. Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết những chiếc xe này nằm trong danh sách hàng nhập khẩu đang dài thêm, giúp thắt chặt quan hệ giữa quân đội Myanmar và Nga.
Một tuần trước cuộc đảo chính trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thăm Myanmar để chốt một thỏa thuận về cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1, máy bay giám sát không người lái Orlan-10E và thiết bị radar.
"Giống như một người bạn trung thành, Nga luôn ủng hộ Myanmar trong những lúc khó khăn, đặc biệt trong 4 năm qua" - truyền thông Nga dẫn lời thống tướng Min Aung Hlaing phát biểu trong chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Nga.
Nga cũng ký một thỏa thuận an toàn bay với thống tướng Min Aung Hlaing - người được cho là đã thăm Nga 6 lần trong thập niên qua. Vài ngày sau vụ đảo chính trên, Myanmar trở thành quốc gia thứ 21 phê duyệt sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Nga có tên Sputnik V.
Theo các nhà ngoại giao, cá nhân thống tướng Min Aung Hlaing hiện nay có nhiều hoài nghi về Trung Quốc, và ông muốn tăng cường quan hệ với Nga để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc. "Chỉ Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới đặt ra mối đe dọa cho sự sống còn của Myanmar" - Nikkei Asia dẫn đánh giá của một nhà ngoại giao châu Á.
Người dân Myanmar tham gia cuộc biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Yangon, Myanmar hôm 3-3 - Ảnh: AFP
Trung Quốc trong thế khó xử
Phó giáo sư Enze Han tại Đại học Hong Kong bình luận trên báo Washington Post rằng Trung Quốc đang trong thế khó xử.
Có lẽ phát biểu của đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Trần Hải (Chen Hai) trên truyền thông địa phương giúp nói lên phần nào điều này: Trung Quốc duy trì "quan hệ hữu nghị" với cả quân đội và chính quyền dân sự Myanmar.
Việc Trung Quốc từ chối lên án cuộc đảo chính của quân đội Myanmar khiến công chúng ở Myanmar giận dữ.
Người biểu tình Myanmar đã tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon (hiện nhiều nước có đại sứ quán tại cố đô Yangon thay vì thủ đô Naypyidaw), và cáo buộc Trung Quốc "đồng lõa" với cuộc đảo chính quân sự hôm 1-2. Không rõ Trung Quốc có liên quan trực tiếp hay gián tiếp hay không, nhưng Bắc Kinh nói rằng cáo buộc như vậy là "hoàn toàn vô lý".
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc lên án cuộc đảo chính quân sự sẽ đi ngược với chính sách không can thiệp mà Bắc Kinh tuyên bố.
Đặc biệt, việc khiến quân đội Myanmar nổi giận sẽ làm tổn hại tới các lợi ích kinh tế và chiến lược hiện có của Trung Quốc ở Myanmar. Trong số này, Bắc Kinh đang muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar để tìm một con đường thay thế giúp tiếp cận vịnh Bengal.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân - Ảnh: AFP
Theo Washington Post, Bắc Kinh từng ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar. Tuy nhiên, sau năm 2010 khi chính quyền quân sự trao trả lại quyền lực, chính các cựu lãnh đạo quân đội Myanmar đã "quay lưng" với Trung Quốc và hướng sang Mỹ.
Đối với Bắc Kinh, điều này khiến các lãnh đạo quân đội Myanmar trở nên không đáng tin cậy so với chính phủ của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) - lên nắm quyền năm 2015.
Tại một cuộc họp không chính thức về tình hình Myanmar của Đại hội đồng LHQ hôm 26-2, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân (Zhang Jun) đã nói về lập trường của Trung Quốc: "Những gì diễn ra ở Myanmar, về bản chất, là chuyện nội bộ của Myanmar".
Ông Trương cũng thận trọng không đề cập gì tới cách giải quyết tình hình ở Myanmar, trái ngược các nước Phương Tây.
Cây bút Shannon Tiezzi của tạp chí The Diplomat chỉ ra: "Quan điểm của Trung Quốc chính là: Miễn là tình hình được giải quyết một cách hòa bình, họ không quan tâm nhiều tới kết quả - dù quay lại thời kỳ quân đội cầm quyền hay cứu nền dân chủ không hoàn thiện của Myanmar".
Ngày 3-3, trong một phát ngôn đáng chú ý, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã kêu gọi Trung Quốc dùng sức ảnh hưởng với quân đội Myanmar "theo cách mang tính xây dựng", thúc đẩy lợi ích của người dân Myanmar.
Hiện nay, khó giải mã những gì Trung Quốc lên kế hoạch thực hiện liên quan tình hình Myanmar. Tuy nhiên, theo phó giáo sư Enze Han, nếu cuộc khủng hoảng Myanmar biến thành một cuộc đối đầu giữa các nước lớn, có thể Trung Quốc sẽ ủng hộ các tướng quân đội Myanmar.
Chuyện gì diễn ra tiếp theo ở Myanmar?
Tạp chí Diplomat đánh giá vẫn chưa rõ chính xác thế giới bên ngoài có thể làm gì để tác động tới tình hình bên trong Myanmar.
Tuy nhiên, theo Diplomat, có một điều hiện đã rõ ràng: việc quay trở lại một thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa quân đội Myanmar và chính phủ của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) là "không thể", thậm chí nếu thống tướng Min Aung Hlaing sẵn sàng đồng ý.
Theo Diplomat, các cuộc biểu tình của người dân Myanmar trong 3 tuần qua ngày càng cho thấy mong muốn đưa quân đội ra khỏi "đời sống chính trị của đất nước một lần và mãi mãi". Và quân đội Myanmar dường như sẽ tiếp tục dùng vũ lực nếu muốn bảo vệ quyền lực.
TTO - 'Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt, và chúng tôi đã sống sót' - phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win đã nói như vậy khi đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Christine Schraner Burgener cảnh báo về trừng phạt và cô lập.
Xem thêm: mth.70971950140301202-ramnaym-iod-nauq-tahp-gnurt-ohk-couq-peih-neil-couq-gnurt-av-agn-iv/nv.ertiout