Giá dầu thế giới tăng thêm gần 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (5/3), đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm, sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến. Việc liên minh OPEC+ không nâng sản lượng cũng tiếp tục hỗ trợ giá năng lượng này.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,62 USD/thùng, tương đương tăng 3,9%, đạt 69,36 USD/thùng. Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của loại dầu này kể từ tháng 1/2020.
Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 2,26 USD/thùng, tương đương tăng 3,5%, chốt ở 66,09 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 5,2%, đánh dấu tuần tăng thứ 7 liên tiếp. Giá dầu WTI tăng khoảng 7,4% trong tuần này, sau khi tăng 4% trong tuần trước.
Vào hôm thứ Năm, giá cả hai loại dầu cùng tăng hơn 4% sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, thường gọi là nhóm OPEC+, gia hạn việc hạn chế sản lượng đến hết tháng 4 thay vì nâng sản lượng như kỳ vọng của thị trường.
"OPEC+ thận trọng với sản lượng, dù thị trường trước đó kỳ vọng nhóm này nâng sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày", nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS viết trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
Giới đầu tư ngạc nhiên vì Saudi Arabia vẫn giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 4, dù giá dầu đã liên tục tăng mạnh trong 2 tháng qua nhờ vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu.
Một số tổ chức dự báo đã điều chỉnh tăng kỳ vọng giá dầu sau quyết định của OPEC+.
Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu Brent thêm 5 USD/thùng, lên mức 75 USD/thùng trong quý 2 và 80 USD/thùng trong quý 3. UBS nâng dự báo giá dầu Brent lên 75 USD/thùng và giá dầu WTI lên 72 USD/thùng trong nửa sau của năm 2021.
Phiên này, giá dầu còn được hỗ trợ bởi thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ trong tháng 2 tạo được nhiều việc làm mới hơn dự báo.
Báo cáo hàng tháng từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy khu vực phi nông nghiệp có thêm 379.000 công việc mới trong tháng 2, vượt xa mức dự báo 182.000 công việc mới mà các nhà phân tích đưa ra trước đó. Nhờ vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm còn 6,2% từ mức 6,3% trong tháng 1. Thống kê này làm dấy lên hy vọng về đà khởi sắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay, sau cú sụt giảm chóng mặt trong năm ngoái do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Báo cáo việc làm "cho thấy người Mỹ đang dần trở lại với những hoạt động như trước đại dịch, và điều này sẽ dẫn tới nhu cầu mạnh đối với dầu thô", nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định.
Dù vậy, đà tăng của giá dầu vẫn ít nhiều bị hạn chế bởi xu hướng tăng những phiên gần đây của đồng USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh đã lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Một số nhà phân tích cũng nhấn mạnh rằng đợt tăng giá đang diễn ra của dầu thô mới chủ yếu dựa trên kỳ vọng vào nhu cầu. Việc bán dầu vật chất vẫn diễn ra chậm, cộng thêm sự khởi sắc nhu cầu có thể phải đến quý 3 mới rõ ràng, nên giá dầu vẫn có khả năng giảm trở lại.
"Thị trường đang phản ánh một sự thắt chặt nguồn cung chưa tồn tại ở thời điểm này. Bởi vậy, chúng tôi tiếp tục tin rằng giá dầu vẫn đứng trước nguy cơ giảm vì đã tăng quá cao", chuyên gia kinh tế trưởng Hans van Cleef thuộc ABN Amro phát biểu.
Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu và tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, nói rằng việc OPEC+ không nâng sản lượng trong lúc giá dầu leo thang có thể đe dọa sự phục hồi kinh tế dựa trên tiêu dùng ở một số quốc gia.
Với giá dầu đã quay trở lại mức trước đại dịch, nhiều công ty khai thác dầu của Mỹ cũng khởi động lại các giếng dầu ngừng hoạt động trước đây. Số giàn khoan dầu hoạt động ở nước này tăng thêm 1 giàn trong tuần trước, sau khi đã tăng liên tục trong 6 tháng - theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes.
Xem thêm: mth.35964507060301202-ym-auc-mal-ceiv-oac-oab-uas-iom-hnid-pal-uad-aig/nv.ymonocenv