Đội tuyển VN dự thi Olympic hóa học quốc tế - Ảnh: NVCC
Choáng với thực hành
Nhìn vào lịch sử dự thi Olympic quốc tế các môn vật lý, hóa học, sinh học của học sinh VN thì đều thấy điểm chung là trong 1-2 thập kỷ đầu vắng bóng huy chương vàng. Với môn vật lý, bắt đầu tham gia năm 1981 nhưng phải từ năm 2007 trở lại đây thành tích VN mới cải thiện, trong đó có những năm liên tục đoạt 2-4 huy chương vàng.
Môn sinh học, hóa học bắt đầu tham gia năm 1996 thì phải sau năm 2000, đội tuyển VN mới mang về những tấm huy chương vàng đầu tiên. Và từ năm 2016, số lượng huy chương vàng ở hai môn mang tính thực hành, ứng dụng mới tăng đáng kể.
Những hiển thị này trên bản đồ dự thi Olympic quốc tế của ba môn trên cũng tương ứng với hiện trạng khó khăn và hành trình vượt khó của học sinh Việt để chinh phục các bài thi thực hành vốn là điểm yếu của mình.
Cao Bảo Anh tốt nghiệp thủ khoa Đại học Toronto, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành miễn dịch học từng là cựu học sinh Trường phổ thông Năng khiếu TP.HCM dự thi Olympic sinh học quốc tế năm 2010 và đoạt huy chương bạc.
Khi theo đuổi con đường nghiên cứu thường xuyên làm việc trong phòng thí nghiệm, Bảo Anh hay tự cười mình khi nhớ lại lần đi thi Olympic sinh học quốc tế: "Trong bài thi thực hành về phân học sinh tử vốn là bài học sinh Việt ít được thực hành, tôi chỉ đọc lướt qua hướng dẫn vì hồi hộp quá nên không biết có hai mẫu.
Mẫu A để trong ống trong suốt, mẫu B để trong ống tối màu. Tôi lấy nhầm mẫu B làm hết nửa bài mới biết là nhầm. Khi phát hiện, tôi xin lại mẫu nhưng không được. Mặc dù đoán được đáp án đúng nhưng tôi vẫn không được công nhận điểm. Chưa kể không biết canh giờ nên làm không kịp.
Sau này làm việc trong lab nhiều, không gian quen, vật dụng quen, kỹ năng đọc và thiết lập quy trình tốt hơn. Nhớ lại lúc đi thi thấy buồn cười về những sai lầm của mình. Dù sao cũng là kinh nghiệm quý báu mà không phải học sinh THPT nào cũng được trải nghiệm".
Tình huống vấp phải của Bảo Anh không phải hi hữu mà phổ biến đối với học sinh Việt trước đây. Nếu Bảo Anh mất điểm do nhầm mẫu thì theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, người từng là phó đoàn Olympic vật lý quốc tế năm 2008, cho biết: "Có học sinh mất điểm chỉ vì không sử dụng thành thạo thiết bị đo dẫn tới việc cho ra kết quả sai dù em đó đã biết được hướng đi đúng".
Để làm tốt phần thi thực hành là phải quen với môi trường thí nghiệm, có tư duy thí nghiệm, nhưng trên thực tế học sinh Việt ít được tiếp cận, kể cả học sinh chuyên. Những học sinh được chọn vào đội tuyển quốc tế cũng chỉ có 2 tháng rèn luyện, trong đó thời gian học lý thuyết là chính, thực hành rất ít.
Sau này khi theo đuổi con đường nghiên cứu, đồng thời tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, Bảo Anh nhận xét:
"Nếu vài thập kỷ trước, học sinh Việt xa lạ với việc học thực hành thì giờ việc này đã cải thiện hơn. Nhưng trong môn sinh, để làm tốt phần thực hành cần tư duy thực hành và kinh nghiệm thực hành. Trong nhiều năm qua, tư duy thực hành được nâng lên cao rõ rệt, nhưng kinh nghiệm thực hành do điều kiện cơ sở vật chất không được đầu tư nên vẫn còn hạn chế".
Dương Tùng Lâm, cựu học sinh đoạt huy chương đồng môn sinh quốc tế năm 2019, kể: "Dù đã được luyện nhiều nhưng kinh nghiệm thực hành và điều kiện để được thực hành chưa nhiều. Năm chúng tôi thi, thành tích đội không cao vì mất điểm thực hành. Khi ở nhà cả đội đã được luyện nhiều về thực hành.
Nhưng năm ấy đề thi có nhiều thay đổi nên lại vẫn bỡ ngỡ. Có 4 bài thi gồm các phần hóa sinh, động vật, thực vật và tin sinh. Trong đó phần động vật các năm trước thường yêu cầu mổ các loài không có xương sống. Nhưng năm đó lại yêu cầu mổ động vật có xương sống nên khó khăn, phức tạp. Đề thi cũng có thêm phần thi tin sinh là phần mới thi trên máy tính".
Trần Bá Tân xuất sắc giành huy chương vàng môn hóa với 95,47/100 điểm - Ảnh: NVCC
Bí quyết của người đoạt giải "Best practical exam"
Những năm gần đây, thành tích các môn thi thực hành của VN khả quan hơn nhưng các bài thi thực hành vẫn luôn là "chướng ngại vật" của học sinh Việt.
Năm 2019, một học sinh Việt đoạt giải "Best practical exam" (Bài thực hành tốt nhất) với điểm số 40/40. Đây là lần đầu tiên trong các kỳ thi Olympic hóa học quốc tế, học sinh Việt đạt điểm tuyệt đối phần thi thực hành. Kết quả này mang đến bất ngờ cho nhiều người.
Đó là Trần Bá Tân, cựu học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thuộc đội tuyển quốc gia VN, đã xuất sắc giành huy chương vàng với 95,47/100 điểm, cao thứ 4 của kỳ thi. Nhiều người rất tò mò về "bí quyết" giúp Tân vượt lên được "điểm yếu truyền thống" của VN?
Bá Tân có bố làm ở Viện Năng lượng nguyên tử VN, chuyên nghiên cứu về hóa polymer. Từ khi còn học THCS, Bá Tân đã được bố đưa tới cơ quan xem các cô chú làm việc. Lên lớp 8, được tiếp xúc với môn hóa, Tân thích thú từ buổi học đầu tiên.
Cậu dành thời gian nhiều cho việc tự học, tự đọc tài liệu. Bí quyết đầu tiên của Tân là với bất cứ kiến thức nào, cậu cũng liên hệ với thực tế. Từ những hiện tượng, vấn đề có trong thực tế, Tân liên hệ trở lại kiến thức ở trường.
Bá Tân vào đội tuyển và đoạt giải trong cuộc thi chọn học sinh giỏi các cấp từ bậc THCS và được nhận vào Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Ở đây, Bá Tân may mắn được tiếp xúc với thực hành nhiều hơn nhưng cậu vẫn chủ động tự học, tự khám phá.
"Tự học thì chủ yếu là lý thuyết khó có điều kiện thực hành nên tôi thường xem các video hướng dẫn làm thí nghiệm trên mạng để có tư duy về thực hành" - Bá Tân chia sẻ.
Thực hành phải là "chiến lược" giáo dục
Kết quả bất ngờ của Bá Tân mang đến hi vọng VN có thể chinh phục được các bài thi thực hành ở mức xuất sắc. Nhưng Bá Tân có khá nhiều lợi thế không phổ biến: Con nhà nòi, có cơ hội tiếp xúc với môi trường thực hành hóa học.
"Bí quyết" cá nhân Bá Tân khó có thể tạo nên bước ngoặt lớn khắc phục điểm yếu thi thực hành của nhiều học sinh Việt mà cần sự đầu tư ở tầm chiến lược giáo dục.
Những năm gần đây, việc đưa phần thi thực hành vật lý, hóa học, sinh học vào đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia, xây dựng đề thi thực hành tiệm cận với phần thi thực hành của thi Olympic quốc tế là một trong những giải pháp của Bộ GD-ĐT.
Trong quá trình bồi dưỡng, đội tuyển VN tham dự Olympic cũng được làm quen và thành thạo các bước triển khai xây dựng phương án thí nghiệm, phân tích kết quả đo đạc, nên khi đi thi các em chỉ tập trung cao độ vào việc tìm hướng giải quyết và đạt được kết quả tốt.
Tuy nhiên, theo Dương Tùng Lâm thì "Trải nghiệm của kỳ thi khiến tôi nhận ra học sinh Việt muốn tự tin bước vào phòng thi thực hành ở kỳ thi quốc tế cần được học gắn với thực hành từ sớm hơn.
Việc dạy học gắn với thực hành không chỉ ở giai đoạn đội tuyển ôn luyện để thi quốc tế mà cần đưa vào trong nhà trường. Học sinh các nước tiếp xúc với thực hành trong quá trình học ở trường nên kỹ năng thành thạo".
Đề thi vật lý do VN đề xuất được quốc tế đánh giá cao
Năm 2008, VN lần đầu tiên đăng cai tổ chức Olympic vật lý quốc tế và là quốc gia được đề xuất đề thi năm đó.
Đề thi được hội đồng quốc tế đánh giá cao vì tính mới mẻ, đặc sắc, gần gũi với đời sống, văn hóa VN khi đề cập đến cối giã gạo bằng sức nước, ô nhiễm môi trường do khí CO2 thải ra từ xe máy làm nhiệt độ trong không khí nóng hơn.
Theo nhận xét của thầy dẫn đoàn đoàn Bulgaria Viktor Ivanov, đề thi không chỉ thú vị ở nội dung mà còn là cách thức ra đề, hệ thống câu hỏi kích thích sự sáng tạo.
*****************
Thời gian học và thi vòng loại rất áp lực, nhất là khi chỉ có 9 người. Nhưng sau đó sẽ phải có 3 trong 9 người dừng lại. Áp lực không chỉ trong phòng thi mà cả khi người đi tiếp phải nhìn đồng đội dừng lại.
>> Kỳ tới: Cuộc tuyển chọn đặc biệt cho cú "lội ngược dòng"
TTO - 'Học sinh nhiều nước tham dự kỳ thi Olympic quốc tế với tâm thế người đến chơi hơn là đi thi. Ở Colombia năm đó, họ làm tôi có cảm giác như họ đến biển nghỉ' - Võ Anh Đức, cựu học sinh Olympic toán quốc tế năm 2013, nhận xét.