Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng nếu Ukraine đã là một thành viên của khối này trước năm 2014, Nga đã không sáp nhập bán đảo Crimea, theo trang tin UAWire.
Trong một chương trình tại Đại học châu Âu tại TP Bruges (Bí) hôm 4-3, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận được câu hỏi rằng trong trường hợp năm 2014, Ukraine đã là thành viên NATO thì liệu có xảy ra việc Crimea đòi ly khai và sau đó được sáp nhập vào Nga hay không.
Ông Stoltenberg trả lời "ngắn gọn" rằng theo giả định như vậy, việc sáp nhập "không thể xảy ra" vì "nhiệm vụ cốt lõi" và mục đích tồn tại của NATO là "bảo vệ bất kỳ đồng minh nào trước bất kỳ mối đe dọa nào và bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh".
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại Đại học châu Âu ở TP Bruges (Bỉ) hôm 4-3. Ảnh: NATO
Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng chưa một thành viên nào của NATO bị tấn công hay bị "xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ" như tình cảnh mà Ukraine phải chịu năm 2014.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng NATO muốn ngăn chặn những vụ tấn công, hơn là đáp trả những cuộc tấn công đã xảy ra. Theo lời nhà lãnh đạo này, khối quân sự của phương Tây được lập ra "không phải để kích động bạo lực".
Ông Stoltenberg cho rằng cùng với Liên minh châu Âu (EU), NATO là thực thể "đóng vai trò then chốt trong việc gìn giữ hòa bình ở châu Âu" sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Ông Stoltenberg cho biết cánh cửa gia nhập NATO luôn "rộng mở" và nhắc lại rằng NATO đã thống nhất sẽ kết nạp Ukraine, cùng với Georgia, nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể. Theo Tổng Thư ký NATO, để việc gia nhập khối này diễn ra nhanh hơn, hai nước từng thuộc Liên Xô này "phải tập trung vào cải cách" để đáp ứng các tiêu chuẩn chung của NATO.
Trong phần phát biểu trước khi nhận các câu hỏi, Tổng Thư ký NATO đã chỉ trích Nga "đang gây bất ổn" ở khu vực và bày tỏ sự lo ngại về "sự trỗi dậy của Trung Quốc", cũng như các nguy cơ khác từ chủ nghĩa khủng bố hay vấn đề an ninh mạng.
Trong các câu hỏi sau đó, ông Stoltenberg đã nêu quan điểm của NATO về các vấn đề như xung đột Nagorno-Karabakh, căng thẳng ở vùng Baltic, sự nổi lên của "bộ tứ kim cương" Mỹ-Nhật-Úc-Ấn Độ, vấn đề Biển Đông...
Năm 2014, sau biến cố chính trị ở Kiev lật đổ chính quyền thân Nga, Crimea (cùng thành phố Sevastopol) đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và sau đó trưng cầu dân ý xin sáp nhập vào Nga. Chính quyền Moscow đã công nhận nguyện vọng của 96% người dân trên bán đảo Crimea.
Ukraine và phương Tây không công nhận cuộc trưng cầu dân ý và cho rằng việc Nga sáp nhập Crimea là bất hợp pháp, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Trong khi Moscow cho rằng hành động của mình là hợp pháp vì Crimea chỉ "trở về với Nga" chứ không có cuộc sáp nhập nào cả.