Mặc dù sàn HoSE liên tục nghẽn, nhưng hàng tỉ cổ phiếu ngân hàng sẽ vẫn đổ bộ lên sàn chứng khoán trong tháng 3. Hiện đã quá hạn chót theo quy định nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng cố tình "phớt lờ", chưa đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chính thức.
BacABank, SeABank "chạy đua nước rút" lên sàn chứng khoán
Ngân hàng TMCP Bắc Á vừa chính thức đưa 708,5 triệu cổ phiếu với tổng giá trị niêm yết đạt 7.085 tỉ đồng giao dịch trên HNX. Mã chứng khoán của ngân hàng là BAB. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.000 đồng/cổ phiếu.
Tại ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên thị trường niêm yết HNX, cổ phiếu BAB của Bắc Á Bank được giao dịch với mức giá trần 20.800 đồng/cổ phiếu tăng 30% so với giá tham chiếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 5.3, giá cổ phiếu BAB ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu.
Cũng trong tháng 3.2021, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ chính thức giao dịch hơn 1,2 tỉ cổ phiếu SSB trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) vào ngày 24.3.2021. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.800 đồng/cổ phiếu với biên độ dao động phiên đầu là +/-20% giá tham chiếu.
SeABank là ngân hàng thứ hai lên sàn HOSE và là nhà băng thứ ba niêm yết cổ phiếu trong năm nay.
Trước đó, gần 1,1 tỉ cổ phiếu OCB đã chính thức giao dịch trên HOSE từ ngày 28.1.
Mới đây, SeABank thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 22.3.2021 để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Thời gian và địa điểm tổ chức ĐHĐCĐ sẽ được ngân hàng thông báo sau.
SCB, VietABank, BaoVietBank cố tình "phớt lờ" quy định
Hiện tại đã quá thời hạn theo quy định để ngân hàng buộc phải niêm yết trên lên sàn chứng khoán. Theo quy định của Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức bao gồm HoSE, HNX và UPCoM.
Nếu loại trừ các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc hoặc đang bị kiểm soát đặc biệt là CBBank, OceaBank, GPBank, DongABank chưa thể đưa cổ phiếu lên sàn trong thời gian ngắn. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn vài ngân hàng cố tình “phớt lờ” quy định và chưa niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chính thức là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài gòn (SCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank). Hiện cổ phiếu của các ngân hàng này vẫn chỉ nằm trên sàn OTC chứ chưa chính thức niêm yết trên sàn HoSE, HNX và UPCoM theo quy định.
Triển vọng cổ phiếu ngân hàng
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn được các chuyên gia đánh giá là nhóm “cổ phiếu vua”. Cổ phiếu ngân hàng góp phần quan trọng để nâng đỡ chỉ số VN-Index tiến sát mốc 1200 điểm trong thời gian qua.
Báo cáo mới đây của JP Morgan đánh giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hấp dẫn đáng để nắm giữ nhất trong khu vực Asean.
Các chuyên gia của JP Morgan nhận định các ngân hàng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng và ROE cao nhất trong khu vực Asean. Tăng trưởng GDP danh nghĩa cao và khả năng phục hồi trong 12 tháng qua cho thấy khả năng tăng trưởng tín dụng và thu nhập trong vài năm tới.
JP Morgan kỳ vọng tốc độ tăng trưởng EPS bình quân trong giai đoạn 2020-2023 của ngành ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này sẽ dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu tăng từ 8-42% trong suốt năm và có thể là cao hơn trong 3 năm tới.
Do đó, mặc dù giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng 11% so với đầu năm (cao hơn mức tăng của Vn-Index là 6%) và tăng 30% trong 3 tháng qua, ngành ngân hàng vẫn được khuyến nghị tăng tỉ trọng.