Xu hướng bán tháo cổ phiếu công nghệ tiếp diễn trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (8/3), đẩy chỉ số Nasdaq vào trạng thái thị trường điều chỉnh. Trong khi đó, nhiều nhóm cổ phiếu khác tăng điểm mạnh nhờ kỳ vọng vào gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD, đưa chỉ số Dow Jones đi lên.
Theo tin từ Reuters, Dow Jones lập một kỷ lục nội phiên mới, còn Nasdaq đến phiên này đã giảm 10,6% so với mức đóng cửa kỷ lục hôm 12/2 - đáp ứng định nghĩa trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) là giảm từ 10% trở lên so với đỉnh gần nhất.
Cổ phiếu liên quan đến các lĩnh vực như tài chính, nhà hàng và du lịch cùng tăng nhờ kỳ vọng rằng những ngành này sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Dù vậy, mức tăng của các nhóm này không đủ để bù đắp là cú giảm của các cổ phiếu công nghệ vốn là nhóm có tỷ trọng vốn hóa lớn ở Phố Wall.
Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn gói 1,9 nghìn tỷ USD vào hôm thứ Bảy, và Tổng thống Joe Biden nói ông hy vọng dự luật này sẽ được phê chuẩn nhanh chóng ở Hạ viện để ông có thể ký thành luật. Khi các thủ tục hoàn tất, phần lớn người dân Mỹ sẽ được hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD từ gói kích cầu.
Việc bơm thêm một lượng tiền lớn giúp triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ sáng hơn, nhưng cũng làm gia tăng nỗi lo về sự trỗi dậy của lạm phát, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên gần mức cao nhất 13 tháng. Lợi suất tăng gây áp lực lên cổ phiếu công nghệ - nhóm có mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn vốn giá rẻ để tăng trưởng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 8/3 nói rằng gói kích cầu sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế "rất mạnh mẽ" nhưng bà không cho là nền kinh tế sẽ tăng trưởng quá nóng vì việc bơm thêm tiền như vậy.
Do đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, mối lo về mức định giá của những cổ phiếu tăng trưởng, đặt biệt là cổ phiếu công nghệ, đã gây áp lực lớn lên Nasdaq trong 3 tuần trở lại đây - theo nhà giao dịch Michael James thuộc Wedbush Securities.
Trái lại, những cổ phiếu hưởng lợi khi người dân bắt đầu đi du lịch và ăn nhà hàng trở lại đang được đà tăng mạnh. "Nhà đầu tư đang phân bổ vốn sang những lĩnh vực đó. Vốn đang bị rút khỏi cổ phiếu công nghệ tăng trưởng để mua những cổ phiếu như thế", ông James nói.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,97%, đạt 31.802,44 điểm. S&P 500 giảm 0,54%, còn 3.821,35 điểm. Nasdaq sụt 2,41%, còn 12.609,16 điểm.
Cổ phiếu tài chính là nhóm giữ vai trò trụ cột trong S&P 500 phiên này. Chỉ số của nhóm có lúc đạt mức kỷ lục nhờ lãi suất thị trường tăng - một diễn biến có lợi cho các ngân hàng. Theo sau là cổ phiếu công nghiệp, cũng đạt mức kỷ lục, trong khi nhóm nguyên vật liệu lên gần kỷ lục. Nhóm công nghệ chìm sâu trong sắc đỏ, với mức giảm sâu nhất thuộc về các cổ phiếu Apple, Nvidia, Tesla và Alphabet.
Chuyên gia Joe Saluzzi của Themis Trading nhấn mạnh rằng diễn biến trái chiều giữa cổ phiếu công nghệ và các nhóm khác là điểm nổi bật của phiên này. "Gói kích cầu chắc chắn sẽ giúp nhiều cho các cổ phiếu lớn ngoài nhóm công nghệ. Được mua nhiều lúc này là những cổ phiếu liên quan đến các hoạt động bên ngoài, thay vì các cổ phiếu ‘tại gia’", ông Saluzzi nói.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chốt phiên với mức tăng 2%; nhóm hàng không tăng khoảng 5%.
Cổ phiếu Walt Disney tăng xấp xỉ 6% sau khi nhà chức trách California đưa ra quy định mới cho phép mở cửa trở lại các công viên chủ đề, sân vận động và các cơ sở vui chơi giải trí ngoài trời từ ngày 1/4.
Cổ phiếu GameStop tăng 42% sau khi công ty cho biết đã bổ nhiệm cổ đông Ryan Cohen vào vị trí người đứng đầu công tác phát triển thương mại điện tử.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 1,39 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, số mã giảm nhiều gấp 1,03 lần số mã tăng. Toàn thị trường có 14,03 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trong phiên đầu tuần.