Tụt dốc doanh thu rất sâu, khó khăn về dòng tiền do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thu nhập, số lượng nhân sự ngành hàng không bị cắt giảm mạnh. Nhưng đây cũng là cơ hội giúp các hãng hàng không trong nước sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách gọn nhẹ và hiệu quả hơn, thực thi hàng loạt chính sách phản ứng nhanh với tình hình mới.
Những số liệu thống kê khủng khiếp về sức công phá của đại dịch covid đối với ngành hàng không vừa được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) công bố cho thấy may mắn vẫn chưa mỉm cười với ngành kinh doanh dịch vụ đặc thù này.
Theo số liệu này, các hãng hàng không toàn cầu phải tái cơ cấu và cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động và tránh phá sản vào năm 2021. Hơn 400.000 việc làm trong ngành hàng không đã bị cắt giảm. 45% các hãng hàng không đã sa thải nhân viên từ quý II/2020 và nhiều hãng vẫn lên kế hoạch cắt giảm nhân sự.
DOANH THU SỤT GIẢM, "NGẬM NGÙI" SA THẢI NHÂN VIÊN
Hai hãng hàng không lớn của Mỹ là American Airlines và United Airlines đã cho nghỉ việc hơn 32.000 nhân viên. Emirates, Ả Rập cắt giảm đến 9.000 nhân viên, Cathay Pacific, Hong Kong sa thải gần 6.000 nhân viên. Hiện các hãng hàng không vẫn đang chống chọi, một phần nhờ nguồn lực tự thân, phần khác nhờ chính phủ bơm tiền.
Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 đến nay, các chính phủ trên thế giới đã chi tổng cộng khoảng 161 tỷ USD hỗ trợ cho ngành hàng không dưới các hình thức viện trợ trực tiếp khoảng 99,7 tỷ USD, trợ cấp tiền lương 40,1 tỷ USD, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 12 tỷ USD, giảm thuế nhiên liệu bay và thuế dịch vụ liên quan 10,2 tỷ USD...
Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ ban đầu của Chính phủ cho các hãng hàng không đang dần cạn kiệt, khi cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đối với ngành hàng không quốc tế vượt xa mọi dự báo. Số tiền trợ cấp lương từ quý IV/2020 đến quý IV/2021 chỉ còn khoảng 15 tỷ USD. Trong bối cảnh ngành hàng không thế giới vẫn chưa thể sớm phục hồi và lượng khách dự báo chỉ có thể trở lại mức trước dịch vào năm 2024, số người mất việc vẫn tiếp tục gia tăng nếu chương trình hỗ trợ trả lương không được bổ sung và gia hạn.
Lệnh hạn chế bay, giãn cách, cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đã khiến nhiều đường bay quốc tế và trong nước phải đóng cửa. Ngành du lịch đóng băng, nhu cầu vận tải hành khách suy giảm, khiến thị trường hàng không gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, khác với nhiều năm trước, dù tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày và là tháng lễ hội của mùa xuân nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách nội địa giảm, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 ước tính đạt gần 11.000 lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước. Những con số trên đã cho thấy sự sụt giảm mạnh trong ngành du lịch, qua đó, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của ngành hàng không.
Bên cạnh số chuyến bay và khách quốc tế suy giảm, Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các hãng hàng không và các DN dịch vụ hàng không. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lỗ ròng gần 11.000 tỷ đồng trong năm 2020. Không nằm ngoài khó khăn chung của ngành, hãng hàng không VietJet Air cũng công bố kết quả kinh doanh kém khả quan. Vietjet ghi nhận khoản lỗ 1.573 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế và các khoản thu khác, Vietjet vẫn lãi ròng 70 tỷ đồng trong năm 2020, nằm trong số ít các hãng hàng không vẫn có lãi.
Không chỉ các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không cũng không tránh khỏi tình trang thua lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, tình hình vẫn có những tín hiệu lạc quan hơn so với các hãng hàng không. Cụ thể, Công ty cổ phần suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) lỗ 52 tỷ đồng, Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Taseco (AST) lỗ 54 tỷ đồng.
Đây đều là các đơn vị gặp khó khăn trong cả năm 2020, do cung cấp dịch vụ trực tiếp cho hành khách bay, số khác hoạt động tại các sân bay địa phương khi lượng khách quốc tế đến du lịch gần rơi về mức 0. Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị quản lý vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước, ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.087 tỷ đồng, giảm gần 80% so với năm 2019.
CẮT GIẢM CHI PHÍ, SỬ DỤNG TỐI ƯU NGUỒN LỰC
Ngay khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh, các hãng hàng không chủ động và tối ưu trong việc sử dụng nguồn lực. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines quyết liệt đưa ra một loạt các giải pháp để giảm các chi phí. Có thể kể đến, tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp, tái cơ cấu và tổ chức lại lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đã điều chỉnh giảm 1/3 nguồn lực lao động mặt đất trong 6 tháng đầu năm, ngừng sử dụng phi công nước ngoài, tiếp viên nước ngoài, tiếp viên thuê ngoài. Riêng tháng 4/2020, cao điểm dịch bệnh, toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội, Vietnam Airlines có tới 50% nhân viên phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Nhằm đảm bảo đời sống người lao động trong giai đoạn khó khăn, gìn giữ nguồn lực sẵn sàng nắm bắt thị trường khi phục hồi, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines từng chia sẻ "Vietnam Airlines thực hiện các chính sách người lao động làm tự nguyện không hưởng lương, nghỉ luân phiên hoặc làm bán thời gian, nhằm điều chỉnh quy mô, chi phí nhân lực tương ứng với tình hình khai thác".
Báo cáo tiền lương năm 2020 cho thấy lương phi công giảm hơn 50% so với cùng kỳ, kế hoạch tăng lương định kỳ cho phi công cũng phải hủy bỏ. Lương trung bình của tiếp viên, lao động mặt đất của hãng dự kiến giảm lần lượt gần 48% và 44,5%. Thay vì thưởng Tết bằng tiền mặt, nhiều hãng bay Việt Nam đã chuyển sang thưởng Tết cho nhân viên qua hiện vật, như vé máy bay, voucher để khích lệ tinh thần người lao động.
Trong bối cảnh cắt giảm hàng loạt nhân sự trong ngành, bà Võ Thuỳ Dương, Phó Tổng giám đốc tập đoàn FLC cho biết "trong một năm khá thách thức như 2020, FLC vẫn tuyển dụng gần 2.300 nhân sự, trong đó khối hàng không là hơn 700 người". Ngay từ đầu dịch bệnh, Tập đoàn ngay lập tức áp dụng khẩn cấp hàng loạt chính sách để phản ứng nhanh với tình hình mới. Cụ thể, rà soát lại toàn bộ quy trình, thiết lập chế độ làm việc luân phiên, tái cấu trúc cơ cấu phòng, ban. Đặc biệt, vạch ra hàng loạt kịch bản về chính sách nhân sự trước những biến động, tương ứng với mỗi kịch bản là một chương trình hành động khác nhau.
Dự kiến trong năm tới, tập đoàn sẽ tiếp tục tuyển mới khoảng 3.000 nhân sự trên toàn hệ thống, trong đó mảng hàng không chiếm trên 30%, với nhu cầu rất lớn về phi công, kỹ thuật và tiếp viên hàng không, đáp ứng kế hoạch vận hành khoảng 50 máy bay của Bamboo Airways trong 2021. Ước tính trong giai đoạn 2021-2022, đội ngũ nhân sự trên toàn hệ thống dự kiến khoảng 15.000-17.000 người.
Theo báo cáo về ngành hàng không do Công ty cổ phần chứng khoán BOS công bố, ngành hàng không vẫn chưa thể phục hồi mạnh. "Động lực tăng trưởng năm 2021 vẫn nằm ở vận tải nội địa và những chặng bay quốc tế được nối lại với tốc độ chậm. Dự kiến sau tháng 10 năm 2021, các chuyến bay quốc tế mới được nối lại hoàn toàn và tới quý I/2022, số lượng hành khách quốc tế mới phục hồi như trước thời điểm dịch bùng phát", nhóm nghiên cứu của BOS nhận định.
Ước tính, đại dịch Covid-19 sẽ khiến ngành hàng không thế giới chịu mức thua lỗ kỷ lục, khoảng 100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021. Những báo cáo cập nhật hàng tuần của IATA cho thấy, tương lai của ngành hàng không thế giới tiếp tục xấu đi và dự kiến khó chuyển biến khả quan cho đến năm 2022. Dự báo, ngành hàng không sẽ phục hồi 15 - 20% trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, ít nhất phải đến nửa đầu năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận ngành mới có thể bắt đầu hồi phục nhờ sự hồi phục các đường bay quốc tế và tăng trưởng vận tải hàng hóa hàng không.
Xem thêm: mth.91483403280301202-iat-not-ed-us-nahn-hnam-maig-tac-gnohk-gnah-hnagn/nv.ymonocenv