Lưỡng hội là chuỗi sự kiện chính trị hàng năm của Trung Quốc, bao gồm kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) khóa 13, diễn ra từ ngày 3 - 11/3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Cuộc họp năm nay thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, nhất là đối với 2 vấn đề Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) và Cải tiến hệ thống bầu cử Đặc khu hành chính Hong Kong.
Đầu tư mạnh cho công nghệ với chuỗi giá trị cốt lõi nằm ở Trung Quốc
Với mục tiêu siêu cường sản xuất vào năm 2025, Trung Quốc kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều lĩnh vực sản xuất hiện đại mới, đóng góp 17% GDP của cả nước. Trong đó, nổi bật là đất hiếm - các loại vật liệu đặc biệt, robot, động cơ máy bay, phương tiện năng lượng mới, y học cao cấp, linh kiện sản xuất máy bay - tàu cao tốc, các ứng dụng công nghệ từ hệ thống định vị Bắc Đẩu. Trung Quốc cũng thúc đẩy triển khai mạng di động 5G để đạt mục tiêu 56% người dùng vào năm 2025. Đây cũng là vấn đề then chốt cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực, trong đó có thế mạnh thương mại điện tử.
Khai mạc kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 nhấn mạnh, "các thành tố quan trọng của chuỗi giá trị" phải nằm ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, kế hoạch này sẽ là nền tảng để triển khai nhiều năm, hướng đến mục tiêu xây dựng một quốc gia hiện đại, hùng mạnh vào năm 2035.
Chưa có cuộc họp nào mà từ "công nghệ" được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhắc nhiều như lần này, 23 lần trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc khóa 13.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu khai mạc họp thứ 4 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Tự chủ công nghệ - yếu tố sống còn
Ông Miêu Vũ - cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc - trong bài phát biểu tại kỳ họp Chính Hiệp cho rằng, Trung Quốc sẽ phải mất đến 30 năm mới trở thành siêu cường sản xuất. Nguyên nhân là bởi quốc gia này còn phụ thuộc nhiều công nghệ bên ngoài, công nghệ cơ bản còn yếu và công nghệ cốt lõi nằm trong tay nước ngoài nên dễ bị "điểm huyệt".
Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Huawei, ZTE và SMIC đã bị Mỹ và các quốc gia phương Tây ngăn chặn nguồn cung chất bán dẫn khiến các doanh nghiệp này lao đao là minh chứng. Hiện nay, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Biden vẫn chưa có chủ trương cụ thể về việc cho phép các công ty công nghệ Mỹ hợp tác với Trung Quốc, do đó, tự chủ công nghệ càng trở thành vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như mục tiêu siêu cường sản xuất.
Trung Quốc cần phải đạt được nhiều đột phá trong các lĩnh vực dễ bị kìm hãm bởi công nghệ nước ngoài như sản xuất chip, khắc phục các liên kết yếu kém trong các thành phần chủ đạo, phần mềm, vật liệu.
Ông Jia Kang - Giám đốc Học viện Kinh tế mới Trung Quốc
Cải tiến hệ thống bầu cử Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc)
Ông Lật Chiến Thư - Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc - nhấn mạnh, việc cải tiến hệ thống bầu cử của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là nhằm đảm bảo nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ" duy trì phát triển vững chắc trong thời gian tới.
Ông Lật Chiến Thư - Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Ảnh: Chinadaily)
Thay đổi từ chính quyền Trung ương nhằm đảm bảo chỉ những người yêu nước mới được giới thiệu và tranh cử vào các ghế trong hội đồng lập pháp. Người yêu nước phải có tình yêu toàn diện đối với Trung Quốc, bao gồm cả sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và không phá hoại thịnh vượng, ổn định của Hong Kong (Trung Quốc).
Ngoài tiêu chí xác định tiêu chuẩn yêu nước, các thông tin về thay đổi số lượng thành viên cơ quan lập pháp từ đại lục, thành phần đại biểu cấp quận do dân cử cũng như chỉnh sửa hiến pháp Hong Kong (Trung Quốc), hay còn gọi là Luật cơ bản, để phù hợp với tình hình mới cũng là vấn đề nóng.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) - Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kông, Trung Quốc - ủng hộ những nỗ lực của chính quyền Trung ương trong việc cải tiến hệ thống bầu cử địa phương nhằm ngăn chặn những thành phần gây bất ổn xã hội len lỏi vào các cơ quan lập pháp.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - Trưởng đặc khu Hành chính Hong Kong, Trung Quốc trả lời báo chí về cải cách hệ thống bầu cử (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Trước những thay đổi trong hệ thống bầu cử, trả lời những câu hỏi của phóng viên Reuters về việc liệu có hoãn cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp vào tháng 9 tới không, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng không khẳng định mà phải chờ những quyết định cụ thể từ kỳ họp Quốc hội cùng những hướng dẫn khác.
Sau Luật An ninh Quốc gia được thi hành tại đặc khu năm ngoái, việc cải cách hệ thống bầu cử Hong Kong (Trung Quốc) được xem là một bước mạnh tay nữa của chính quyền Trung ương để đảm bảo đặc khu phát triển ổn định.
Bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ phương Tây, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, đây là công việc nội bộ. Nhiều vụ bắt giữ người biểu tình, những người phạm luật an ninh quốc gia, đã diễn ra. Mỹ không còn dành quy chế ưu đãi thương mại cho Hong Kong (Trung Quốc).
Theo xếp hạng chỉ số tự do kinh tế (Index of Economic Freedom) 2021 bởi Quỹ Di sản có trụ sở tại Mỹ, lần đầu tiên Hong Kong (Trung Quốc) rơi xuống hạng 107 sau nhiều năm dẫn đầu thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!