Đến chiều tối 9/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã hoàn tất công tác khám xét hơn 10 địa điểm tại Bình Dương và TPHCM của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc. Trong đó có nhà riêng của vợ chồng giám đốc doanh nghiệp Vân Trúc là Lê Thanh Tú (55 tuổi) và Trần Thị Thanh Vân (52 tuổi) ở TP Thủ Đức.
Liên quan đến đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả, ngày 9/3, cơ quan công an đã ra lệnh bắt tạm giam Lê Thanh Tú, Giám đốc Công ty Vân Trúc cùng vợ là Trần Thị Thanh Vân để điều tra về hành vi buôn lậu.
Cụ thể, trên Báo CA TP.HCM cho biết, Đại tá Vũ Hồng Văn - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - Trưởng ban chỉ đạo Chuyên án 920G đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triển khai 12 tổ công tác với gần 400 cán bộ chiến sỹ đồng loạt bắt, khám xét tại 10 địa điểm là các kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại tỉnh Bình Dương và TPHCM.
Nhà riêng của vợ chồng chủ công ty xăng dầu Vân Trúc (Ảnh: NLĐ)
Lực lượng chức năng khám xét nhà của vợ chồng Tú - Vân (Ảnh: NLĐ)
Sau khi bắt giữ các đối tượng và khám xét nơi ở, đến chiều tối cùng ngày, lực lượng công an đã di lý về Công an tỉnh Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra.
Qua khám xét, Công an tỉnh Đồng Nai đã thu giữ tang vật gồm: 4 tàu tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn; 5 xe bồn dung tích 20-25 m3; 1 ôtô, 21 máy tính bàn, 1 máy tính xách tay, 21 ĐTDĐ, 10 đầu thu camera; hơn 1,2 tỷ đồng tiền mặt; 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 1,7 kg chất bột tạo màu mà các đối tượng sử dụng để pha chế xăng giả.
Đồng thời, niêm phong 38 bồn chứa xăng và 39 thùng hồ sơ, tài liệu có liên quan.
Qua điều tra, cảnh sát xác định vợ chồng Tú đã thu mua xăng nhập lậu, xăng giả của ông trùm đường dây 200 triệu lít xăng dầu giả mới bị bắt là Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ở TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) rồi bán ra thị trường.
Ngoài bán tại các cây xăng của Công ty Vân Trúc, vợ chồng Tú đã phân phối xăng nhập lậu, xăng giả cho các cây xăng tại các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày, công ty này đã đưa ra thị trường tiêu thụ trên 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả.
Bước đầu, các đối tượng khai nhận sử dụng các tàu của Công ty Vân Trúc có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn mua xăng nhập lậu, xăng giả rồi pha chế, mang đi tiêu thụ tại các cây xăng của công ty này; đồng thời phân phối cho những cây xăng khác ở các địa phương phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP HCM…
Một cây xăng Vân Trúc bị cơ quan công an kiểm tra, khám xét - Ảnh: CA TPHCM
Các trụ bơm xăng tại cây xăng Vân Trúc ở Vòng Xoay An Phú đều bị niêm phong. Ảnh: LÊ ÁNH/PLO
Ảnh: CA TPHCM
Ảnh: CA TPHCM
Quá trình khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 39 thùng tài liệu - Ảnh: CA TPHCM
Niêm phong tang vật - Ảnh: CA TPHCM
Niêm phong các bình xăng dầu thu giữ được (Ảnh: NLĐ)
Khu vực chứa xăng của công ty Vân Trúc - Ảnh: CA TPHCM
Các tàu chở xăng dầu của Công ty Trúc Vân (Ảnh: NLĐ)
Công ty Vân Trúc có 4 tàu chứa xăng dầu (Ảnh: CA TPHCM)
Tàu Vân Trúc 03 của công ty Vân Trúc (Ảnh: NLĐ)
Khu vực chứa xăng dầu của công ty Vân Trúc - Ảnh: CA TPHCM
Trong bối cảnh đường dây pha chế xăng giả được phát hiện, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Bộ Công thương cho hay đang kiểm tra, hậu kiểm hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Dự kiến có 4-5 doanh nghiệp bị rút giấy phép trong tổng số hơn 10 doanh nghiệp hậu kiểm.
Thông tin trên báo này cho hay, trong khoảng 10 doanh nghiệp là những thương nhân đầu mối, phân phối nằm trong danh sách kiểm tra thì đều có "dấu hiệu", "hiện tượng" vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn.
Thậm chí còn có trường hợp doanh nghiệp đầu mối xăng dầu buôn tài chính, sử dụng giấy phép đó để huy động vốn ngân hàng, quay vòng nhanh, không thực hiện đúng chức năng kinh doanh xăng dầu.
(Tổng hợp)
Chang Tổng
Doanh nghiệp và tiếp thị