Một khía cạnh của “hiệu ứng” này nói về sự nhạy cảm của hệ thống thời tiết với những điều kiện ban đầu để chứng minh những dự báo thời tiết nhiều hơn 1 tuần là vô nghĩa bởi sự thay đổi do các hiệu ứng lan truyền.
Ai cũng thấy độ “vênh” nhất định giữa bản tin dự báo thời tiết thường ngày với thực tế. Các nhà quan trắc khí tượng thủy văn thì nói chỉ là “dự báo” nên không thể chính xác tuyệt đối được. Đấy là một biểu hiện của “hiệu ứng cánh bướm” với đặc trưng muôn thuở của nó là sự “chập chờn”.
Bướm và nắng xuân! |
Sự “chập chờn” liền đi vào nghệ thuật như một sự hô ứng tương giao giữa hiện tượng thực tế với đặc trưng nghệ thuật: Nhiều khi cứ “chập chờn” ma mị như khiêu khích, như khơi gợi, như mời gọi, như nũng nịu, như uốn éo... mới tạo ra “hiệu ứng”! Phải chăng mà vì thế dân gian hay gọi các văn nghệ sỹ là “chập”, “chập cheng”... trong khi đó người ta đang trong cơn đau đẻ sáng tạo ra các hình tượng thẩm mỹ để đời. Thật là chả hiểu gì các thiên tài lại còn hay cạnh khóe!!!
Cũng vì thế mà ở Mỹ, năm 2004, “ăn theo” hiệu ứng cánh bướm trong khoa học vật lý liền có một bộ phim tên y chang như thế rất ăn khách. Dĩ nhiên phải là phim thuộc thể loại tâm lý với những pha gay cấn, hồi hộp với cái ý nghĩa là từ một khác biệt nhỏ ban đầu, theo thời gian có thể dẫn đến một hậu quả lớn khó lường. Các cặp vợ chồng khắp thế giới thi nhau xem để nhận được bài học: Cố mà chịu đựng nhau từ cái nhỏ nhất thì nhà cửa mới yên, con cái mới khỏi buồn!!!
Các nhà Nho đạo mạo đáng kính thời xưa vì chuẩn mực ưa những gì ngay ngắn, thẳng thớm kiểu “chiếu trải không vuông không ngồi, thịt thái không vuông không ăn” nên không ưa gì sự bay bướm chập chờn. Ghét đến mức lấy hình ảnh ấy để gọi cái gì tối tăm nhất, (nhưng các cụ cũng thâm thúy lắm) cũng mời gọi nhất! Thế nên hình tượng này ít xuất hiện trong thơ. Nhưng các cụ ta không cấm được cánh bướm bay lượn khỏe khoắn mà gợi tình trong ca dao, dân ca: “Bướm lượn là bướm ới a nó bay/ Bướm dạo là bướm ới a nó bay” (“Hoa thơm bướm lượn” - Dân ca quan họ Bắc Ninh).
Nhưng trong văn học viết thì thời đại nào tính dân chủ cao thì vẫn có, như ở ta trong “Thánh Tông di thảo” có một truyện rất hay tên là “Duyên lạ hoa quốc”. Ra đời gần 600 năm mà đọc truyện đã thấy có bóng dáng của hậu hiện đại, của huyền thoại, của giải huyền thoại, của hoang đường, kỳ ảo...
Truyện kể chàng Chu sinh học trò cha mẹ mất sớm ở với chú thím. Thím hay giận nên Chu bỏ về nhà chịu đói. Một hôm Chu nằm mơ được đón đến xứ “Hoa Thành quốc” lên chức phò mã có vợ là công chúa Mộng Trang. Đêm động phòng hoa chúc Chu sung sướng ngất trời đê mê hạnh phúc khi thấy vợ “tuyết thua màu trắng, ngọc ngời vẻ trong, ngón tay búp măng, hàm răng hạt bí, nếu không phải vẻ đẹp Hằng Nga thì cũng nét vàng tiên giới”.
Chàng thoáng băn khoăn nhưng cũng quên ngay cái mà các nhà văn hôm nay gọi là “chi tiết”: “những khi gió bay tà áo trong, chỗ lưng bụng hở ra trông có vằn là lạ”...Từ đó cứ ba hôm Chu lại ngủ để nằm mơ được đi làm phò mã được lên xe xuống kiệu, được ăn uống thỏa thuê nên ngày thường chàng chẳng ăn uống gì mà vẫn khỏe mạnh...
Nhưng xứ “Hoa Thành quốc” có giặc. Cả nước phải rút lui. Mẫu quốc nói cho rể ít tiền để học tập, còn con nhỏ phải theo mẹ, gia đình sẽ gặp nhau sau “hai mươi sáu tháng” nữa. Tỉnh dậy chàng thấy có 10 nén vàng trong túi... Đủ tiền ăn học, chàng ra công đèn sách rồi đỗ Hương cống.
Năm Quang Thuận 4 (1463) Tuyên Quang có giặc, nhà vua phong Chu làm Bình man đại tướng quân đi đánh dẹp. Là người thông minh, tìm hiểu nghiên cứu rồi đem quân đến vây Hoa Điệp cương là nơi giặc đóng, chàng sững người khi thấy xứ ấy bạt ngàn hàng vạn cánh bướm bay. Thì ra cái tên Hoa Điệp cương là vậy (xứ sở của bướm hoa).
Chu ra sức đánh bắt được tướng giặc. Đêm ấy nằm mơ Chu được đón trở về Hoa Thành quốc gặp vợ con. Tỉnh dậy Chu mới rõ mình là phò mã xứ bướm, theo lời Mẫu quốc sẽ là vua xứ bướm. Trở về triều đình chàng tâu vua cáo quan. Một ngày sau thì mất!
Trong bộ “Nam hoa kinh” (chương “Tề vật luận”) của Trang Tử có câu chuyện Trang Chu hóa bướm trở thành một điển tích văn học nổi tiếng: “Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, Chu không biết mình là Chu nữa. Tỉnh dậy, ngạc nhiên lại thấy mình là Chu. Chu băn khoăn không biết mình là Chu hay là bướm…”.
Thì ra mình biết mình là điều cũng cực khó thay. Là người hẳn hoi đấy thế mà có lúc còn không phân biệt được mình là người hay vật! Triết học gọi trường hợp này là lúc rơi vào “điểm mù lý trí”, ai cũng có lúc gặp. Thế nên đừng nghĩ mình lúc nào cũng là người thông minh!
Cụ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” mượn tích này tả tiếng đàn của Thúy Kiều cực hay: “Khúc đâu đầm ấm dương hòa/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh”. “Hồ điệp” là con bướm. Tiếng đàn hay đến mức làm người nghe (Kim Trọng) như bị mê đi để “phiêu” vào một thế giới khác, không phân biệt mình là ai nữa. Nghệ thuật là phải như thế!
Huyền thoại yêu đương phương Đông có truyền kỳ “Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài” quá yêu nhau nhưng bị chia duyên rẽ thúy. Chúc Anh Đài bị ép lấy chồng là Mã Anh Tài. Lương Sơn Bá buồn quá mà chết. Hôm cưới, qua mộ tình nhân, Chúc Anh Đài rời kiệu hoa đến trước mộ phần của Lương Sơn Bá. Cửa mộ bỗng nhiên mở ra đón Chúc Anh Đài đi vào bên trong. Thoáng chốc từ trong mộ, một đôi bướm rất đẹp quấn quýt chấp chới cùng nhau bay ra trong sự cực kỳ kinh ngạc và cực kỳ đau khổ của nhà trai. Từ đó thiên hạ được một bài học: Chả dại gì chia rẽ những cặp uyên ương!
Đổi mới dễ thấy nhất ở Thơ mới là đưa những hình tượng thật mới mẻ mà bay bổng vào thơ, dĩ nhiên phải có cánh bướm. Hình tượng này chấp chới nhiều trong thơ Xuân Diệu: “Của ong bướm này đây tuần tháng mật…/Ta muốn say cánh bướm với tình yêu” (“Vội vàng”). Hàn Mặc Tử thì “Mải vui tìm cành hoa trên cánh bướm/ Ai đưa ta lạc đến nước non này” (“Duyên kỳ ngộ”)...
Nhưng nhiều nhất là trong thơ chân quê Nguyễn Bính. Cùng với sự “phơi phới” bay của mưa xuân, của “thấp thoáng” hoa đào nở, hoa xoan rụng, hoa mai trắng... là biết bao nhiêu những hình ảnh cánh bướm chập chờn: Bướm trắng, bướm vàng, bướm nâu, bướm đen, bướm chúa… làm xốn xang bao trái tim chân quê: “Qua dậu tầm xuân thấy bướm nhiều/ Bướm vàng vàng quá bướm yêu yêu” (“Hết bướm vàng”); “Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng/ Thấy con bướm trắng thường sang bên này” (“Người hàng xóm”).
Chắc nhà thơ nghĩ đến truyện “Duyên lạ hoa quốc” ở trên mà có những câu này: “Em ạ ngày xưa vua nước bướm/ Kén nhân tài mở điệp lang khoa/ Vua không kén trạng vua thề thế/ Con bướm vàng tuyền đậu thám hoa” (“Truyện cổ tích”)... Yêu bướm đến mức Nguyễn Bính từng lấy bút danh là Điệp Lang, hiểu thoát nghĩa là “chàng bướm”! Thế nên trong thơ ông có cả “giấc bướm”, “lời bướm”, “nước bướm”, “xứ bướm”... thậm chí cả “bướm nói điêu”...
Khác với Nguyễn Bính hình như chỉ yêu mình bướm, Bùi Giáng mở rộng hơn: “Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi/ Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn/ Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn” (“Phụng hiến”). Sau này Giang Nam “định nghĩa” quê hương bằng hình ảnh cánh bướm, có “Những ngày trốn học đuổi bướm cầu ao” và “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm” (“Quê hương”).
Hình tượng cánh bướm đã trở thành một nét thi pháp trong thơ hiện đại. Để miêu tả một không gian xôn xao, bừng nở: “Nắng đùa mái tóc/ Chồi biếc trên cây/ Lá vàng bay bay/ Như ngàn cánh bướm” (“Chồi biếc” – Xuân Quỳnh). Là sự cụ thể hóa hình tượng quê hương trong nhạc phẩm/thi phẩm của nhà thơ – nhạc sỹ Vy Nhật Tảo: “Anh còn nhớ mái đình xưa/ Ngôi đình xưa ê a giọng hát/ Đuổi ve bắt bướm những trưa hè” (“Chuyến đò quê hương”).
Hình tượng cánh bướm chấp chới chập chờn bay đi về ở cả hai không gian thơ và nhạc. Cánh bướm chấp chới du dương theo nhạc để trở thành hình tượng bằng vàng trong âm nhạc dân tộc: “Gửi gió cho mây ngàn bay/ Gửi bướm đa tình về hoa/ Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư về đây với thu trần gian” (“Gửi gió cho mây ngàn bay” - Đoàn Chuẩn và Từ Linh). Nó cũng là một hình tượng buồn nương theo khuông nhạc chấp chới bay về miền quá khứ tuổi thơ vàng son: “Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi/ Lấy chồng sớm làm gì/ Để lời ru thêm buồn” (“Sao em nỡ vội lấy chồng” – Trần Tiến)...
Nguyễn Thanh TúXem thêm: /267236-naux-moub-hnac-gnuhN/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv