Để Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng và có những tập đoàn khổng lồ với thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế, các chuyên gia kinh tế đầu ngành cho rằng nên bắt đầu ngay từ bây giờ. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, muốn có ngôi nhà lớn phải bắt đầu xây nhà từ móng, tạo dựng cột kèo...
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong: Đâu là hướng khả thi
Thứ nhất, việc trở thành các tập đoàn không lồ hay không là do tiếng gọi cũng như áp lực của thị trường chứ không thể đặt theo mục tiêu như các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Thứ hai, hiện nay đang có một số tập đoàn tư nhân lớn mạnh như Vingroup, Trường Thành… Nếu bắt đầu từ những tập đoàn tư nhân này thì họ sẽ tiếp tục mở rộng, sáp nhập và định hướng để phát triển hơn. Đây là hướng khả thi nhất.
Ngoài ra, hướng phát triển Nhà nước ở các lĩnh vực trọng điểm trong công nghiệp ví dụ như tàu biển và một số ngành quan trọng khác. Sau đó, một số DNNN đóng vai trò chủ đạo, các DN tư nhân bám vào đây. Dần dần, các chuỗi liên kết, mạng lưới hình thành, sau đó sẽ phát triển lên. Cuối cùng là phát triển các DN FDI, sau đó tách ra để hình thành những DN lớn và tiếp tục lớn lên.
Còn về mục tiêu, không nên đặt thành những con số, quy mô. Về mặt Nhà nước, nên có những chính sách tạo thuận lợi, ưu đãi nhất định dành cho các tập đoàn.
TS Võ Trí Thành - thanh viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Tạo dựng cột kèo
DN tư nhân đã trưởng thành, có “lớn” nhưng chưa đủ “lớn mạnh” để thực sự có thể trở thành động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam có hai vấn đề cần tập trung xử lý: Xây nhà từ móng và tạo dựng các cột kèo. Sẽ không có một khu vực tư nhân năng động cũng như các DN tư nhân lớn mạnh, khổng lồ nếu như thiếu sự phát triển lành mạnh của SMEs (DN vừa và nhỏ) và Startups (DN khởi nghiệp). Bản thân SMEs là khu vực đóng góp lớn nhất cho cạnh tranh trên thị trường, không có cạnh tranh thì không còn thị trường.
Thời gian đã chỉ ra “tuổi thọ” trung bình của 500 DN tên tuổi nhất thế giới giảm từ 60 năm xuống còn 15 năm. Nếu không còn thích ứng, không đổi mới, thì ngay các DN tên tuổi cũng có thể “chết yểu”. Hơn thế, cơ hội “lớn lên” là cho tất cả những ai dám đón nhận và biết “tư duy lại, thiết kế lại và xây dựng lại”.
DN lớn mạnh là phải làm chủ công nghệ và có năng lực sáng tạo cao; phải tạo ra những sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của cuộc cách mạng tiêu dùng mới và tốt hơn nữa là có thể chi phối được cả mạng lưới phân phối. Để trở nên lớn mạnh, khổng lồ họ phải thực sự có khát vọng, sự dấn thân cũng như tầm nhìn toàn cầu, bản lĩnh, sự chuyên nghiệp và khôn khéo cùng với việc cạnh tranh thật bằng sản phẩm, thành quả thật cũng là những đòi hỏi đối với các nhà lãnh đạo tập đoàn lớn. Lớn mạnh cũng thể hiện trong việc tạo dựng mạng liên kết sản xuất kinh doanh, nhất là với SMEs. Và chính vì vậy, họ phải tạo được khả năng thu hút người tài, những kỹ năng tốt nhất trên toàn cầu.
Trong bối cảnh mới, nỗ lực tự thân của tập đoàn, công ty có ý nghĩa quyết định để lớn mạnh, khổng lồ nhưng hỗ trợ thích hợp, thiết thực của Nhà nước cũng rất cần thiết cho quá trình đó.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư: Nhà nước hỗ trợ công khai minh bạch
Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để các DN tư nhân được phát triển thông qua cạnh tranh lành mạnh; mở rộng lĩnh vực kinh doanh, quyền kinh doanh, tạo thuận lợi trong lĩnh vực đất đai. Các chính sách của Nhà nước phải công khai minh bạch.
Để DN Việt Nam phát triển lớn mạnh và thịnh vượng vào 2045, cần phải thực hiện đồng bộ, minh bạch và công bằng về mặt thể chế để DN tiếp tục đầu tư vốn, tiếp cận các nguồn lực của quốc gia. Thể chế này phải xóa được các quyền lợi cục bộ trong các cơ quan, ban ngành.
Ngoài ra, Nhà nước phải tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, và nâng cao trình độ nguồn nhân lực.
Xem thêm: odl.208788-gnom-ut-yax-uad-tab-nac-nol-ahn-iogn-noum/et-hnik/nv.gnodoal