Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân - Ảnh chụp màn hình Xinhua
"Cộng đồng quốc tế nên tạo môi trường thuận lợi cho các bên liên quan ở Myanmar giải quyết những khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của họ", đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân kêu gọi ngày 11-3 (giờ Việt Nam).
"Chính sách hữu nghị của Trung Quốc đối với Myanmar dành cho tất cả người dân Myanmar. Trung Quốc sẵn sàng tham gia và tiếp xúc với các bên liên quan, đồng thời đóng vai trò xây dựng trong việc xoa dịu tình hình hiện nay", Hãng thông tấn AFP trích lời ông Trương.
Trước đó, theo Hãng tin Reuters, Trung Quốc đã phản đối những câu chữ lên án đảo chính và đe dọa chính quyền quân sự Myanmar trong dự thảo tuyên bố chung do Anh soạn thảo. Cuối cùng, đến rạng sáng 11-3 (giờ Việt Nam), sau hơn 24 tiếng trì hoãn, các thành viên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) mới đạt được đồng thuận.
Tuyên bố chung cho biết Hội đồng Bảo an "lên án mạnh mẽ hành động bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa", và "kêu gọi quân đội thực hiện kiềm chế tối đa". Một đoạn khác mang tính cảnh báo và trấn an khi nhấn mạnh Hội đồng Bảo an đang theo sát tình hình Myanmar.
"Trung Quốc đã tham gia vào cuộc đàm phán xây dựng tuyên bố chung (của Hội đồng Bảo an) một cách xây dựng", đại sứ Trương khẳng định. "Điều quan trọng là các thành viên Hội đồng Bảo an phải có chung tiếng nói. Chúng tôi hi vọng thông điệp của Hội đồng Bảo an sẽ có lợi cho việc xoa dịu tình hình ở Myanmar".
"Giờ là lúc xuống thang căng thẳng, là thời điểm cho ngoại giao và đối thoại", đại diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc nêu thông điệp của Bắc Kinh.
Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, đã hai lần ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại trước những gì đang diễn ra ở Myanmar sau cuộc binh biến lật đổ chính quyền dân sự.
Câu chữ trong các tuyên bố chung đều thận trọng, trong đó kêu gọi trả tự do cho các lãnh đạo dân sự bị bắt và tránh lên án chính quyền quân sự đang kiểm soát Myanmar.
Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc nói nước này can thiệp vào cuộc đảo chính ngày 1-2 ở Myanmar, cũng như các thuyết nói Bắc Kinh đang hỗ trợ quân đội Myanmar "đàn áp" người dân.
Cho đến thời điểm hiện tại, Hội đồng Bảo an chỉ mới dừng lại ở việc ra tuyên bố chung, chưa thông qua nghị quyết trừng phạt nào đối với chính quyền Myanmar.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về tình hình Myanmar, bà Christine Schraner Burgener, hôm 5-3 cho biết đã nhận được hơn 20.000 thông điệp từ Myanmar kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động.
TTO - Ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, cho biết: 'Trung Quốc sẵn sàng tham gia với tất cả các bên để xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Myanmar và không đứng về phía nào'.
Xem thêm: mth.48432828011301202-ramnaym-o-gnaht-gnac-gnaht-gnoux-iog-uek-ogn-tab-couq-gnurt-us-iad/nv.ertiout