Tại buổi làm việc giữa Sở GD&ĐT TP.HCM với UBND TP và các sở, ban, ngành về phê duyệt kế hoạch năm học 2021 chiều 11-3, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mỗi năm Sở GD&ĐT đều phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tổ chức khám sức khỏe cho hơn 90% học sinh trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
“Việc khám sức khỏe đã cho thấy chiều cao và thể lực của học sinh ngày càng được cải thiện và tốt hơn trước. Tuy nhiên có 2 vấn đề đáng lo ngại. Thứ nhất nếu tỷ lệ suy dinh dưỡng hiện nay đã thấp và có xu hướng giảm thì tỷ lệ béo phì còn cao và chưa có dấu hiệu giảm. Tỷ lệ này tùy theo từng cấp học, dao động từ 15%-32%. Một số TP lớn có tỷ lệ béo phì tương tự. Thứ hai, tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ (loạn thi và cận thị), chủ yếu bị cận thi ở mức 20%-30%, tùy cấp học”, ông Hưng nói.
Để giải quyết bệnh béo phì, theo ông Hưng hàng năm Sở Y tế phối hợp với UBND quận huyện tập huấn cho nhân viên y tế học đường thực hành dinh dưỡng, cung cấp tài liệu để tăng cường dinh dưỡng một cách cân đối.
“Sắp tới, chúng ta cần làm việc này nhiều hơn, mạnh mẽ hơn để làm sao tiến tới khống chế và giảm tỷ lệ học sinh béo phì trong học sinh”, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tật khúc xạ ở học sinh thành phố còn cao, theo ông Hưng do học sinh thành phố sử dụng nhiều thiết bị điện tử, ít vận động. Một nguyên nhân khác rất quan trọng là các cháu ngồi không đúng tư thế. Vấn đề này giáo viên cần nhắc nhở thường xuyên.
Ông Hưng cũng chia sẻ thêm, trong những năm gần đây, việc tuyển nhân viên y tế học đường gặp khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe học đường. Bởi nhân viên y tế học đường là cầu nối quan trọng giữa ngành y tế và ngành giáo dục trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có nhân viên y tế trường học thì có thể sử dụng trạm y tế phường nhưng điều đó không phù hợp.
“Trạm y tế phường có rất nhiều công việc cần phải lo cho y tế cộng đồng trong khi nhân viên y tế học đường có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh thường xuyên và liên tục. Không chỉ vậy, những người này còn triển khai các hoạt động y tế trong trường như an toàn thực phẩm, lập kể hoạch theo dõi sức khỏe cho học sinh...”, ông Hưng lý giải.
Theo thống kê, TP có khoảng 2.000 trường học. Theo quy định mỗi trường học cần có 1 nhân viên y tế. Chuẩn của nhân viên y tế phải từ y sĩ trở lên, tức là từ trung cấp y trở lên. TP có gần 1.500 trường có nhân viên y tế đạt chuẩn theo quy định của bộ Y tế, còn khoảng 500 nhân viên y tế không đạt chuẩn.
Để khắc phục, Sở Y tế phối hợp với Sở giáo dục biên soạn chương trình tập huấn, cầm tay chỉ việc hết sức thiết thực. Mục đích, sau những khóa học, những người này kể cả đạt chuẩn hay không đạt chuẩn thì trong 3-4 ngày tập huấn phải biết được một số kỹ năng cần thiết trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề quan trọng là làm sao tất cả các trường đều có nhân viên y tế theo quy định.