Ba năm triển khai Nghị quyết 120 về ĐBSCL: Ba chính sách vàng, ba trở ngại chính
Nguyễn Hữu Thiện
(KTSG) - Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành ngày 17-11-2017. Ngày 18-6-2019, một hội nghị sơ kết đánh giá hai năm thực hiện Nghị quyết 120 cũng đã được tổ chức. Và đến nay, sau hơn ba năm thực hiện, có vẻ vẫn chưa thấy gì cụ thể trên thực địa.
Cống ngăn mặn Ba Lai (Bến Tre). Ảnh: N.K |
Trong ba năm qua, để triển khai Nghị quyết 120 (NQ120), Chính phủ đã soạn thảo Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐSBCL, phê duyệt tại Quyết định 324 của Thủ tướng ngày 2-3-2020. Ngoài ra còn có Quy hoạch tích hợp ĐBSCL do HaskoningDHV-GIZ tư vấn đang trong quá trình soạn thảo. Cuối năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một loạt hội thảo tham vấn vòng cuối cùng ở ĐBSCL để hoàn tất quy hoạch tích hợp ĐBSCL.
Làm sao đẩy nhanh tiến độ thực hiện?
NQ120 cùng với Luật Quy hoạch 2017, Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng là một sự hội tụ hiếm có về chính sách. Có thể nói đây là “bộ ba chính sách vàng” mang lại vận hội mới rất quý để phát triển mang tính thực chất, bền vững cho ĐBSCL.
Nhưng chính sách tốt là một chuyện, chất lượng thực hiện chính sách là chuyện khác. Do đó, thay vì nghĩ rằng cần làm gì để thúc đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả NQ120, người viết bài này nghĩ ngược lại rằng làm sao để những chính sách tốt như thế không bị thực hiện theo kiểu “dục tốc” để trở thành “bất đạt” thì sẽ đáng tiếc.
Ngoài việc cả ba chính sách này đều ở tầm chiến lược, đòi hỏi phải có những kế hoạch cụ thể bên dưới để thực hiện, thì cả ba đều hàm chứa tư duy hiện đại, rất mới đối với Việt Nam. Và việc triển khai bộ ba chính sách này sẽ gặp ba trở ngại chính.
Trở ngại thứ nhất, là sự lúng túng trong cách làm mới. Cách làm quy hoạch tích hợp rất lạ lẫm đối với Việt Nam và sẽ không tránh khỏi lúng túng. Phương pháp quy hoạch cũ trước đây, trước khi có Luật Quy hoạch 2017, là phương pháp quy hoạch theo địa phương, theo ngành một cách riêng lẻ.
Từng ngành, từng địa phương theo đuổi và tối đa hóa mục tiêu theo tầm nhìn của ngành, của địa phương mình mà ít có sự lồng ghép, hài hòa lẫn nhau trong một tổng thể. Quy hoạch tích hợp là cách làm quy hoạch định hướng chiến lược phát triển cho sự vận hành của tổng thể, trong đó sự phát triển của từng ngành được dung hòa với nhau cùng lúc, bổ túc cho nhau.
Ví dụ khi muốn làm ra một chiếc xe đạp, phải có thiết kế tổng thể của chiếc xe đạp trước, sau đó mới thiết kế từng bộ phận thì khi ráp lại chiếc xe mới vận hành trơn tru được. Còn nếu lập kế hoạch sản xuất từng bộ phận riêng không quan tâm tới tổng thể thì khi ráp lại các bộ phận không tương thích, chồng chéo, mâu thuẫn.
Chúng ta đã rất quen thuộc với cách làm quy hoạch cũ theo thời hạn năm năm, kèm theo những chỉ tiêu phải đạt được trong thời hạn đó. Từng ngành, từng địa phương đưa ra chỉ tiêu riêng của mình thì khó mà tương thích với tổng thể. ĐBSCL trước đây đã từng có hơn 2.500 bản quy hoạch theo ngành, theo địa phương, không ăn khớp với nhau.
Trở ngại thứ hai, là quán tính tư duy cũ. Thử hình dung chúng ta đang đứng ở ngã ba đường. Thay vì đầu tư cho con đường mới, quán tính tư duy cũ là muốn đầu tư dặm vá con đường cũ để tiếp tục đi theo con đường đó. Theo cách này sẽ nhìn thấy nhiều vấn đề cần phải “vật lộn” để duy trì cho được lối đi cũ.
Trong trường hợp của ĐBSCL để duy trì lối đi cũ thì bài toán là làm sao giải quyết cho được chuyện hạn - mặn, tiếp tục sản xuất số lượng lớn lúa gạo, trái cây, thậm chí trong mùa khô ở ven biển, mà không bị ảnh hưởng, thiệt hại gì bởi hạn - mặn. Làm sao canh tác liên tục ba vụ, vắt đất cho ra lúa gạo thật nhiều mà đất không cạn kiệt, người dân không bỏ đồng bằng ra đi.
Làm sao để bao đê chống lũ cho ruộng đồng khô ráo để trồng lúa mà lũ không gây ngập nơi khác. Bít cửa sông trong mùa khô cho khỏi mặn, làm cho biển không liên lạc được với sông mà biển vẫn khỏe mạnh vẫn cho nhiều cá tôm. Bít sông ngòi lại để trữ nước ngọt mùa khô cho nông nghiệp mà sông ngòi không thành dòng sông đen. Làm sao sông ngòi đen mà không sử dụng nước ngầm. Làm sao tiếp tục khai thác nước ngầm mà không bị sụt lún để đồng bằng không bị chìm dưới mực nước biển. Toàn là những bài toán nan giải.
Trong khi đó, nếu rẽ sang lối đi mới, thích ứng thay vì chống chọi, thì hàng loạt chuyện đang là vấn đề sẽ không còn là vấn đề nữa và số vấn đề cần giải quyết sẽ ít hơn.
Trở ngại thứ ba, là những vướng mắc ở thực địa trong quá trình thay đổi. Trong thời gian dài phát triển nông nghiệp chạy theo sản lượng và loay hoay chống chọi với thiên nhiên suốt năm, mùa lũ chống lũ, mùa hạn chống hạn năm này sang năm khác thì chúng ta đã tạo ra một hệ thống công trình điều tiết nước khổng lồ trên toàn đồng bằng. Sinh kế và hệ thống thiên nhiên đã buộc phải thích ứng theo.
Trong các vùng ngọt hóa chẳng hạn, sinh kế người dân đã chuyển sang canh tác theo nước ngọt. Trong bối cảnh mới, các vùng ngọt hóa sẽ không thể tồn tại lâu. Nhưng muốn chuyển đổi ngược lại như trước sẽ khó khăn vì sẽ ảnh hưởng sinh kế người dân trong thời gian đầu. Người nông dân nhỏ lẻ sẽ cần hỗ trợ vì không đủ nguồn lực để chuyển đổi dù họ có mong muốn.
Trọng tâm nên là chuyển hướng nền nông nghiệp
Bên cạnh những vấn đề về đầu tư cải thiện đường sá giao thông, hệ thống logistics, quy hoạch tích hợp lần này nếu nhắm đúng vấn đề trọng tâm là chuyển hướng nền nông nghiệp thì sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề của đồng bằng. Chuyển hướng nông nghiệp không nên chỉ là “tái cơ cấu” một cách cơ học, thay đổi cây trồng vật nuôi mà nên là một cuộc cách mạng về nông nghiệp mang tính chuyển hóa.
Nền nông nghiệp cần chuyển sang hướng giảm thâm canh, tập trung chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện logistics, đa dạng hóa thị trường, phát huy sinh kế khác thay thế cho vụ lúa mùa lũ vùng ngập sâu và vụ lúa mùa khô vùng ven biển, tôn trọng quy luật tự nhiên, xem nước ngọt, mặn, lợ đều là tài nguyên.
Chuyển hướng nông nghiệp theo hướng này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nội tại của ĐBSCL. Giảm đê bao khép kín sẽ có nhiều không gian hấp thu nước lũ trong các cánh đồng đầu nguồn. Nguồn nước lũ hấp thu vào các cánh đồng trong mùa lũ sẽ giúp cân bằng mặn ngọt vùng ven biển trong mùa khô.
Đối với vùng ven biển, chuyển hệ thống canh tác thuận theo mùa mặn ngọt sẽ giảm được công trình ngăn mặn. Việc giảm thâm canh, giảm công trình ngăn sông, sẽ giảm được ô nhiễm, sông ngòi thông thoáng hơn, dần dần phục hồi, giảm được áp lực sử dụng nước ngầm. Giảm sử dụng nước ngầm sẽ giảm được đà sụt lún của đồng bằng.
Sẽ là một tiền đề tốt cho ĐBSCL
Lần đầu tiên, ĐBSCL có một quy hoạch tích hợp đa ngành cho toàn vùng. Quy hoạch tích hợp cấp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 là một quy hoạch mang tính lịch sử.
Trước đây cũng đã từng có vài lần quy hoạch như thế như Quy hoạch tổng thể ĐBSCL do NEDECO Hà Lan soạn thảo năm 1993 và Kế hoạch ĐBSCL (MDP) 2016 cũng do Hà Lan hỗ trợ soạn thảo nhưng chưa bao giờ được triển khai vì chưa có cơ sở pháp lý. Quy hoạch tích hợp lần này đã có cơ sở pháp lý vững chắc là Luật Quy hoạch 2017 và định hướng của NQ120.
Quy hoạch tích hợp lần này sẽ có nhiều bối rối vì là lần đầu tiên từ bỏ phương pháp quy hoạch đơn ngành, cục bộ địa phương, chuyển sang phương pháp đa ngành, tích hợp vào một quy hoạch cấp vùng duy nhất cho toàn đồng bằng. Dù vậy, đây sẽ là một tiền đề cho một cách tiếp cận quy hoạch phù hợp với cách tiếp cận quy hoạch tiên tiến trên thế giới.
Quy hoạch này, chỉ giải quyết được những vấn đề nội tại của đồng bằng, không giải quyết được những vấn đề từ bên ngoài đến, như tác động của thủy điện thượng nguồn, nhưng sẽ giúp đồng bằng khỏe mạnh hơn, có sức để đối phó với tác động từ bên ngoài hơn.
Việc chuyển hướng phát triển của cả đồng bằng có thể ví như chuyển hướng một con tàu rất lớn, rất nặng nề, đòi hỏi thời gian dài, có thể đến 10 năm, nhưng ít ra con tàu đang không tiếp tục lao theo hướng cũ nữa.