Tờ The Guardian đưa tin chính phủ Anh ngày 12-3 đã kêu gọi công dân nước này rời khỏi Myanmar, một ngày sau một trong những ngày “đẫm máu nhất” ở nước này kể từ cuộc chính biến khiến ít nhất 12 người biểu tình thiệt mạng.
Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Anh (FCDO) hôm 12-3 đưa ra khuyến cáo rằng công dân Anh nên rời quốc gia Đông Nam Á này “bằng các phương tiện thương mại, trừ khi có nhu cầu cấp thiết phải ở lại”.
FCDO cũng cảnh báo rằng “căng thẳng chính trị và bất ổn đang lan rộng kể từ khi quân đội tiếp quản và mức độ bạo lực đang gia tăng”.
Biểu tình tại Myanmar. Ảnh: AP
“Nếu bạn không thể rời Myanmar vào thời điểm này, bạn nên ở nhà và giữ an toàn. Nếu cần rời khỏi nhà vì những lý do cần thiết, bạn nên thực hiện nhanh chóng, tránh đám đông” – khuyến cáo nêu rõ.
Đại sứ quán Anh tại Myanmar lưu ý rằng việc khẩn cấp rời khỏi Myanmar sẽ được ưu tiên hơn so với các hạn chế thông thường đối với các chuyến bay quốc tế trong tình hình đại dịch COVID-19.
Tình hình khiến việc xét nghiệm COVID-19 tại Myanmar trước khi khởi hành đến Anh là “không hợp lý”, vì vậy những công dân Anh rời khỏi Myanmar sẽ được Đại sứ quán cấp cho một lá thư để việc xuất cảnh không cần xét nghiệm thuận lợi hơn.
FCDO cũng khuyến cáo công dân Anh “không nên đi du lịch, trừ những chuyến đi cần thiết đến Myanmar”.
Trước đó, Singapore hôm 4-3 cũng đã kêu gọi công dân nước này ở Myanmar nên cân nhắc rời khỏi nước này càng sớm càng tốt do bạo lực leo thang sau cuộc chính biến.
Myanmar đã rơi vào khủng hoảng kể từ khi quân đội nước này hôm 1-2 tiến hành bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
Các nhà hoạt động tại Myanmar hôm 12-3 đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, một ngày sau khi lực lượng an ninh nước này được cho là đã đối phó người biểu tình phản đối chính biến, khiến 12 người thiệt mạng.
The Guardian dẫn lời báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Myanmar - ông Thomas Andrew nói rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy quân đội Myanmar đang thực hiện các tội ác "chống lại loài người", bao gồm "hành động giết người, cưỡng bức mất tích, bắt bớ, tra tấn".
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 11-3, ông Andrews nói rằng quân đội Myanmar có khả năng phạm “tội ác chống lại loài người”. Ông cho biết ít nhất 70 người được cho đã bị sát hại kể từ ngày 1-2.