Chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện
Tại buổi họp báo thường kỳ bộ Công Thương chiều 12/3, liên quan đến việc chậm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ gây bức xúc cho người dân khi vào những mùa nắng nóng, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng cục Điều tiết điện lực (bộ Công Thương) - cho biết, giá bán lẻ điện được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện.
Theo ông Tuấn, bộ Công Thương đã nghiên cứu xem xét đề án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện, lấy ý kiến rộng rãi các bộ ngành và khách hàng sử dụng điện. Trên cơ sở đánh giá, góp ý, Bộ đã báo cáo Thủ tướng, nhưng Thủ tướng giao bộ Công Thương chủ trì phối hợp các bộ tiếp tục nghiên cứu, xem xét ở thời điểm phù hợp vào năm 2021 nên hiện nay Bộ vẫn đang xem xét và nghiên cứu.
Song song với việc xây dựng Tổng sơ đồ Điện VIII, bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai xây dựng các khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2021 - 2026. Về nguyên tắc, khung giá bán lẻ điện này sẽ bám sát vào các khối lượng đầu tư trong khâu phát điện, khâu truyền tải cũng như phân phối.
Với câu hỏi giá thành sản xuất kinh doanh điện tăng 7%, bộ Công Thương có phương án tăng giá trong năm nay hay không, ông Tuấn chỉ khẳng định thời gian tới, bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện điều hành giá điện theo Quyết định 24, cũng như định hướng điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Rà soát nghiêm túc các dự án điện mặt trời
Cũng tại cuộc họp, trả lời câu hỏi liên quan đến việc rà soát tổng thể các dự án điện mặt trời, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, tái tạo có tính chất phân tán, quy mô nhỏ, được tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối, tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện.
"Điện mặt trời có thời gian phát chủ yếu vào ban ngày, trong giờ cao điểm của hệ thống điện giúp giảm đỉnh phụ tải, tận dụng được diện tích mặt bằng mái nhà tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng lưới điện đầy đủ, thuận tiện trong việc đấu nối... Do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia đầu tư để cấp điện tự dùng và phần dư bán lại cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)", ông Dũng cho hay.
Theo báo cáo từ EVN, tính đến hết ngày 31/12/2020, cả nước có 105.996 hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành, tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp (khoảng 7.784 MWac), sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, giảm phát thải khoảng 1.220.766 tấn khí CO2, góp phần bổ sung nguồn điện sạch, tại chỗ, góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện năm 2020, đóng góp quý cho hệ thống điện quốc gia và phát triển kinh tế xã hội.
“Nhưng giá điện theo Quyết định 13 có hiệu lực hết năm 2020 nên cần phải ban hành cơ chế chính sách mới, trong đó điện mặt trời mặt nước và mặt đất áp dụng cơ chế đấu thầu còn điện mặt trời mái nhà dụng cơ chế cố định”, ông Dũng nhấn mạnh
Theo ông Dũng, với tiến bộ vượt bậc về công nghệ sản xuất thiết bị điện mặt trời nên chi phí sản xuất điện mặt trời giảm nhanh. Ví dụ, giá điện mặt đất là 9,35 UScent/kWh trước đây là được nhiều nhà đầu tư quan tâm, sau này giảm 7,09 UScent/kWh vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Thực tế cho thấy, tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho điện mặt trời mái nhà có giá giảm nhanh, hiệu suất cao hơn, là cơ sở để tính toán để giảm giá mua điện mặt trời mà vẫn đảm bảo lợi ích nhà đầu tư và người mua điện trong tiết kiệm chi phí đầu tư.
Dù vậy, ông Dũng cũng cho biết, vừa qua, Thủ tướng có yêu cầu bộ Công Thương rà soát phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây. Việc quá tải diễn ra vào năm 2019 và đầu năm 2020 tại một số địa phương như Ninh Thuận vì tốc độ phát triển dự án rất nhanh. Với dự án điện mặt trời, tốc độ xây dựng chỉ từ 4 - 6 tháng nhưng với đường dây truyền tải, thời gian xây dựng phải mất từ 2 năm trở lên, nên sự tương thích về đầu tư và phối hợp chưa nhịp nhàng.
“Thời gian qua, EVN đã xây dựng nhiều công trình, dự án truyền tải, nhiều dự án của tư nhân cũng được triển khai nên cơ bản đến nay, quá tải do năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo theo đó đã được giải quyết”, ông Dũng nói.