Sức khỏe tâm thần người lao động không phải là vấn đề riêng của cá nhân họ mà còn là "nhiệm vụ" của các doanh nghiệp làm sao bảo vệ, hỗ trợ, ngăn ngừa rủi ro về sức khỏe tâm thần cho họ tại nơi làm việc.
Môi trường làm việc "độc hại", áp lực từ nhiều phía
Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có đến khoảng 42% người lao động tại Việt Nam thường xuyên gặp căng thẳng.
Trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có khoảng 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động bị rối loạn tâm thần. Có khoảng 12 tỉ ngày làm việc mỗi năm bị thất thoát do trầm cảm và lo lắng, gây thiệt hại 1.000 tỉ USD/năm về năng suất lao động.
Tiến sĩ Steve Phạm - chủ tịch sáng lập ESI (Leadership Institute) - cho hay lo âu, trầm cảm là hai vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp, được đề cập nhiều nhất ở người lao động nước ta.
Trước đây chúng ta mặc định sức khỏe tâm thần là chuyện mỗi cá nhân người lao động, nhưng đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm.
Tiến sĩ Steve Phạm dẫn chứng một số báo cáo nêu tỉ lệ nhân viên nghỉ việc vì không hài lòng, mâu thuẫn, căng thẳng với các mối quan hệ chiếm nhiều hơn vì tính chất công việc.
Xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc
Thực tế sau dịch COVID-19 đã có nhiều doanh nghiệp, công ty, đơn vị quan tâm đến sức khỏe tâm thần người lao động. Họ ưu tiên lựa chọn tập trung vào môi trường làm việc hạnh phúc thay vì chỉ chú trọng hiệu suất cao. Nếu môi trường làm việc có sự yêu thương, chăm sóc cho nhau, sẽ đem lại hiệu suất công việc cao lâu dài.
Môi trường làm việc căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần cho chính người lao động mà theo bà Lesley Miller - phó đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), điều này còn tác động đến gia đình, và đặc biệt là con em của họ.
Ngược lại, những áp lực gia đình, nuôi dạy con cái cũng sẽ tác động đến chất lượng và năng suất của cha mẹ là người lao động.
Các chuyên gia cho rằng cần có những hành động hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ, nâng cao sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc như có không gian để người lao động chia sẻ những vấn đề về sức khỏe tâm thần gặp phải, có chương trình hỗ trợ thực tiễn như gói tham vấn, trị liệu tâm lý...
Các doanh nghiệp nên xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc thay vì một môi trường làm việc chỉ tập trung vào hiệu suất. Với người lao động cũng phải biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nếu càng cố gắng làm việc hết công suất càng dễ rơi vào căng thẳng, kiệt quệ, ảnh hưởng thể chất và tinh thần, từ đó ảnh hưởng năng suất lao động.
Giúp người lao động quen với việc chăm sóc sức khỏe tâm thần
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe tâm thần là trạng thái cân bằng, cả bên trong với môi trường. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần đều tham gia tạo ra sự cân bằng này. Một cá nhân hạnh phúc sẽ là nhân tố quan trọng giúp một gia đình, một doanh nghiệp nói riêng và cả xã hội, cộng đồng cùng hạnh phúc và đem lại năng suất làm việc hiệu quả.
Qua khảo sát nhanh những người có mặt tại buổi thảo luận về chủ đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động tại TP.HCM (do Đại sứ quán Vương quốc Bỉ và BeLuxCham phối hợp Doanh nghiệp xã hội Tâm Nhung tổ chức), phần đông mọi người cũng chia sẻ bản thân mình chán nản, mệt mỏi, căng thẳng, áp lực, không mấy hứng thú... khi đi làm. Chỉ số ít người cảm thấy vui vẻ, tích cực.
Các nguyên nhân gây nên áp lực được nêu ra qua khảo sát nhanh trên là do môi trường làm việc, tiền lương, doanh số, KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc), đồng nghiệp, lãnh đạo, gia đình, các quy định...
"Có phải mình hiền quá không?". Đây là câu hỏi mà N.H. đặt nghi vấn cho chính bản thân khi luôn cảm thấy bị bắt nạt trong môi trường làm việc. H. tâm sự mình không tham gia bàn luận về bất kỳ đồng nghiệp, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc nhưng thường xuyên bị lãnh đạo đì, đồng nghiệp chơi chung thì "đâm sau lưng".
Hay "công việc không mệt mỏi nhưng rất chán môi trường làm việc toxic (độc hại). Tôi định chuyển công tác nhưng nghĩ ở đâu cũng có người này người kia nên cố gắng bỏ qua để tập trung làm việc, nhưng lắm lúc rất buồn", H. trải lòng.
Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Phan Linh đề xuất quy định bữa ăn ca cho người lao động vào luật, không quy ra tiền mặt.