Vừa trở về từ Hội thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023 tại Philippines, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST25 - đã dành riêng cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi.
Ông Hồ Quang Cua: ST25 đoạt giải
Ông Cua cho biết: "Trước khi trao cúp, ông Jeremy Zwinger - giám đốc điều hành (CEO) The Rice Trader, đơn vị tổ chức hội nghị thượng đỉnh lúa gạo quốc tế và trao giải thưởng gạo ngon nhất thế giới - có phát biểu về quá trình và thành quả có được của tôi.
Nếu nghe và hiểu đoạn phát biểu này sẽ không có nhầm lẫn đáng tiếc. Sau đó, qua thông cáo báo chí, ông cũng có nói lại: gạo được trao giải là loại gạo đã từng đoạt giải. Vậy đương nhiên gạo đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2023 là gạo ST25".
Trước câu hỏi có phải ông đang có thư gửi ban tổ chức giải, ông Hồ Quang Cua thẳng thắn cho hay không hài lòng với những diễn biến vừa qua và nói thêm: "Tôi có gì phải khiếu nại đâu. Chiếc cúp tôi đã giữ, danh hiệu tôi đã nhận và đã được chúc mừng".
Ông Hồ Quang Cua trả lời một số câu hỏi của Tuổi Trẻ.
* Theo ông, ban tổ chức có nên sớm công bố loại gạo nào đoạt giải nhất Hội thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023 hay không?
- Đó là việc ông Jeremy Zwinger đã viết trong thư. Ông ấy nhấn mạnh sẽ công bố loại gạo đoạt giải nhất và sẽ công bố luôn doanh nghiệp mạo nhận đoạt giải.
* Theo thông cáo báo chí của ông Jeremy Zwinger, giải thưởng gạo quốc tế năm 2023 được trao cho nước Việt Nam. Vậy gia đình ông đã đầu tư nghiên cứu và dự thi để hai lần đem giải thưởng danh giá này về cho Việt Nam. Trải qua những lùm xùm, ông có tâm sự gì muốn nói không?
- Năm 2017, ở Macau khi họ xướng danh tên doanh nghiệp chúng tôi dự thi lên để vinh danh và phát giải ba, một cảm giác lâng lâng rất tuyệt vời. Đến lúc họ đọc "ST24 of Việt Nam", lúc vinh danh tôi muốn hát bài quốc ca. Cả những lần sau cũng đều như vậy. Rất tự hào Việt Nam ơi!
Nhưng sau khi ST25 đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019, năm sau họ đòi phí và gia đình tôi là người duy nhất đóng phí bản quyền "The World’s best rice" hằng năm cho họ. Phí năm sau luôn cao hơn năm trước.
Tôi cũng chưa từng bày tỏ gì với những ai sử dụng thương hiệu này. Lần này họ nhấn mạnh giải thưởng này là cho Việt Nam, tôi lại càng vinh hạnh hơn khi được đóng góp cho xã hội ở tuổi thất thập.
Tôi chỉ mong Việt Nam mình có những tiêu chuẩn để sử dụng thương hiệu này một cách hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế gạo Việt Nam trên thương trường.
Ban tổ chức khẳng định trao giải cho gạo Việt Nam
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Jeremy Zwinger khẳng định: "Từ trước đến nay, chúng tôi đã luôn trao thưởng cho các loại gạo của một quốc gia nói chung. Mục đích của chúng tôi là để nước thắng giải, bao gồm những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, chính quyền các cấp, những bên mua bán giống… có thể cùng nhau tận hưởng giải thưởng này".
Ông Jeremy Zwinger cho hay khi gửi mẫu sản phẩm, các bên tham gia đều đã ký một cam kết mà trong đó điều này được giải thích rõ.
Với băn khoăn như làm sao phân biệt được loại gạo trúng giải khi một quốc gia gửi nhiều loại gạo khác nhau, ông Jeremy Zwinger cho biết: "Tại thời điểm trao giải, giải thưởng này không được trao cho bất kỳ nhãn hiệu hay loại giống cụ thể nào. Nhãn hiệu, hạt giống thật sự thắng cuộc sẽ chỉ được chúng tôi công bố vào khoảng 6 tháng sau".
Với thông tin có doanh nghiệp gửi mẫu gạo khẳng định giống gạo của mình là giống chiến thắng, ông Jeremy Zwinger cho hay nếu việc thông tin sai lệch vẫn tiếp tục, ban tổ chức sẽ buộc phải hành động. Tuy nhiên vào lúc này, hy vọng cả nước Việt Nam có thể cùng nhau ăn mừng chiến thắng này.
Ông Hồ Quang Cua:
Cả quá trình dài để có ST25
Từ năm 2001, tôi đã bám theo chỉ tiêu phẩm chất của gạo Khao Dawk Mali để cải tiến giống, bởi đó là một thành quả bình tuyển cấp quốc gia Thái Lan về lúa thơm năm 1957.
Chúng tôi liên tục nghiên cứu tìm hiểu những tính chất mới tốt hơn cũ để nâng cấp giống lúa ST24 và ST25. Trước mắt là để phục vụ sản xuất, để người tiêu dùng có cơm gạo thơm ngon hơn và sau nữa là để dự thi khi có cơ hội.
Từ buổi sơ khai của việc nghiên cứu lúa thơm, vừa thiếu thầy vừa thiếu sách, chúng tôi phân tích các đặc tính lý hóa của hạt gạo cũng như tất cả các đặc tính của cây lúa. Ở công trình đầu tay là ST3 và Khao Dawk Mali của Thái Lan để so sánh.
16 năm sau (2017) thấy đã khắc phục được các điểm thua kém, thậm chí tốt hơn nhiều mặt, chúng tôi mạnh dạn đưa ST24 dự thi và được ngồi cùng mâm chiếu với Khao Dawk Mali. Hai năm sau đưa gạo ST25 dự thi và đã vượt qua họ. Loại gạo ST25 đem dự thi năm nay cũng là từ một thanh lọc cải tiến.
Trong nghiên cứu, chúng tôi luôn quay nhìn lại thành quả có trước để tìm giải pháp nâng cao. Cây lúa ST25 đoạt giải hôm nay thơm ngon hơn lần đoạt giải trước. Chúng tôi sẽ trưng bày trong Festival gạo Việt Nam được tổ chức tại Hậu Giang sắp tới.
Tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 tổ chức ở Philippines, gạo ST25 của AHLĐ Hồ Quang Cua đạt giải nhất.