Lễ tưởng niệm các chiến sĩ đảo Gạc Ma - Video: MINH CHIẾN
Tròn 33 năm sau cuộc chiến trên đảo Gạc Ma (14-3-1988), hàng chục người dân, đoàn thể cùng nhiều thân nhân liệt sĩ đã đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để dâng hương, tưởng nhớ sự hi sinh anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ, những con người đã không tiếc máu xương xây nên một "vòng tròn bất tử".
Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới từ bậc tam cấp hướng lên tượng đài trên đỉnh đồi, các bức tượng chiến sĩ hải quân tay cầm chắc súng, giữ vững ngọn cờ, dáng đứng hiên ngang trước sóng gió càng làm bao người viếng thăm xúc động.
Đứng trước không gian rộng lớn, linh thiêng của cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" nơi khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, bà Nguyễn Thị Hằng - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa - kể lại cuộc chiến đấu, sự hi sinh anh dũng của 64 chiến sĩ để bảo vệ đảo Gạc Ma.
"Giữa biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh, chúng tôi mãi không quên, nguyện tiếp nối các anh đóng góp sức mình cho sự nghiệp của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin, lý tưởng của thế hệ đi trước" - bà Hằng chia sẻ.
Người dân, cán bộ đoàn thể bày tỏ lòng thành kính của mình trước sự hi sinh của những người lính biển - Ảnh: MINH CHIẾN
Những nén hương dâng tặng tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: MINH CHIẾN
Chị Nguyễn Thị Lệ Thu (giáo viên tại một trường tiểu học trên địa bàn TP Cam Ranh) đặt những đóa hoa tại khu tưởng niệm. Từ nhỏ chị đã được nghe kể về sự hi sinh của các chiến sĩ. Giờ đây chị lại là người kể cho các học trò của mình câu chuyện cách đây 33 năm, trong nỗ lực bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh quyết bảo vệ từng tấc đất, giữ vững chủ quyền của dân tộc.
"Đến đây tôi được nghe những câu chuyện về sự hi sinh, chiến tích của những người lính qua tư liệu, hình ảnh. Được tận mắt nhìn ngắm những kỷ vật của các anh làm tôi cảm thấy các anh như mãi còn đây, thật gần trong trái tim mỗi người, từ đó chúng tôi càng trân quý, cố gắng giữ gìn nền hòa bình hiện tại, nền hòa bình được xây bằng sự hi sinh của thế hệ đi trước. Chắc chắn vào một dịp gần nhất tôi sẽ đưa các em học sinh của mình đến nơi này để ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc", chị Thu chia sẻ.
Bà Võ Thị Xuân Anh (73 tuổi) nheo mắt vừa đọc tên của các chiến sĩ. Bà cho biết vào năm 1988 khi được đọc một tờ báo viết về sự hi sinh của những người lính mà lòng đau như cắt, vì bà cũng từng làm giao liên thời chống Mỹ tại tỉnh Nghĩa Hành (nay là tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi). Đây cũng là lần đầu tiên bà đến khu tưởng niệm để thăm viếng những người em, người cháu đã hiến dâng cả thanh xuân cho hòa bình, chủ quyền dân tộc.
"Chân đau, nhưng hôm nay là ngày giỗ, ngày nhớ ơn mấy em, mấy cháu nên tôi cũng ráng đi. Mong rằng thế hệ trẻ thấy được những tấm gương của cha ông, những người đã ngã xuống mà tiếp bước, cố gắng giữ gìn phát triển đất nước".
Theo ban quản lý khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, khu tưởng niệm luôn mở cửa để đón người dân và du khách đến thăm viếng. Từ ngày 16-7-2017 đến ngày 26-2-2021, khu tưởng niệm đã đón 2.350 đoàn, với hơn 219.000 lượt khách đến thăm.
Ôn lại cuộc chiến đau thương nhưng cũng rất tự hào trong nhà tưởng niệm - Ảnh: MINH CHIẾN
Một cựu chiến binh lần tìm về quá khứ qua những kỷ vật - Ảnh: MINH CHIẾN
Những hình ảnh tư liệu sống động tái hiện cuộc chiến năm xưa - Ảnh: MINH CHIẾN
Những bức ảnh được trưng bày theo từng khu vực, chủ đề - Ảnh: MINH CHIẾN
64 bông hoa biển quanh lá cờ Tổ quốc biểu tượng cho 64 chiến sĩ đã hi sinh trên đảo Gạc Ma - Ảnh: MINH CHIẾN
TTO - 'Thay áo' cho đồng đội là một trong những việc nghĩa lặng thầm của những cựu binh Trường Sa trong Ban liên lạc truyền thống Bộ đội Trường Sa 1984-1988 tại Đà Nẵng.
Xem thêm: mth.39760950131301202-yad-noc-iam-uhn-hna-cac-am-cag-is-neihc-cac-mein-gnout-el/nv.ertiout