Món cua lông Thượng Hải hấp của tôi - Ảnh: L.T.V.
Đó là món đầu tiên tôi được dì hàng xóm đãi sau một thời gian ngắn đến Thượng Hải học tập. Trước đó, tôi đã được mấy người bạn Trung Quốc đưa đi ăn món này ở tiệm, và lập tức nảy sinh tình yêu sét đánh với cua lông.
Buổi chiều trời se lạnh, cua chỉ cần hấp lên đem ra bancông, ăn với giấm đỏ thả vào vài lát gừng xắt mỏng, các bạn sẽ hiểu định nghĩa mùa thu Thượng Hải của kẻ phàm phu đang viết bài này.
Ăn từ chớm thu đến "mùa đông sắp đến trong thành phố" là ngưng. Mà ăn cua lông tức là ăn gạch. Gạch cua lông vàng ươm như lòng đỏ trứng gà ta, mềm, mịn, béo ngậy và không vón cứng lại khiến ta có cảm giác như thể gạch cua tan ngay trên đầu lưỡi khi vừa ăn vào.
Có rất nhiều video bày cách ăn thịt cua lông hấp đẳng cấp trên mạng, dùng tới bảy, tám loại dụng cụ để gỡ thịt mà không làm vỡ lớp giáp của cua. Cua lông tuy là món ăn đại chúng song cũng có nhiều nghi thức xung quanh. Nhưng nói chuyện ăn xong con cua mà vẫn xếp vỏ lại thành một con cua nguyên vẹn như chưa từng ăn, với tôi, thì chả khác gì Hoàng Dung với Hồng Thất Công đối thực trước mặt Quách Tỉnh cả.
Tôi chỉ biết gạch cua, gạch cua và gạch cua. Đừng ai dạy tôi cách ăn cua lông, tôi sẽ nổi giận đấy!
Cua lông có nhiều ở phía Trung Quốc, Bắc Á và phía tây Triều Tiên. Cua lông hay còn gọi là cua đại áp có mai màu xanh nhạt hoặc xám xanh, càng màu vàng phủ đầy lông màu nâu. Khi mùa thu tới, cua lông có mặt nhan nhản mọi nơi. Cua được bán trong chợ đối diện chung cư tôi ở nhỏ hơn cua ở các cửa hàng ven đường. Loại to hơn mới được gọi là cua đại áp.
Có lần chạy bộ buổi tối, tôi và người yêu phải quay đầu về nhà vì nhặt được một con cua đại áp đang ra sức đào tẩu. Các cửa hàng hai bên đường đã đóng cửa, chúng tôi đành hí hứng vác con cua nổi loạn ấy về nhà, lấy bàn chải chà sạch sẽ và bỏ vào nồi hấp. Hôm ấy, tôi dạy anh món cua hấp bia mà tôi vẫn ăn ở Việt Nam.
Dì hàng xóm 70 tuổi là người Thượng Hải bản địa, thanh lịch, cổ điển nên chỉ mang cua lông xào bánh gạo đến cho tôi mà không hề nói cho tôi biết lúc ăn cua lông nên uống một ly hoàng tửu, tức rượu vàng Trung Quốc. Cua có tính hàn, còn rượu vàng tính nhiệt, sự kết hợp âm dương này không mấy xa lạ trong ẩm thực của người châu Á. Mãi sau này khi quen biết thanh niên người yêu kia, tôi mới được thưởng thức cách ăn cua lông với hoàng tửu. Tôi không biết liệu còn bao nhiêu cách ăn cua mà người ta có thể nghĩ ra để người với người thêm gần nhau nữa?
Giáo sư của tôi nói cua lông ngon nhất là cua trong hồ Dương Trừng ở Giang Tô. Năm kia tôi định bụng sẽ đến được nơi đó một lần cho biết thì COVID-19 bùng nổ, chia cách mối tình giữa tôi với cua lông. Giờ đã quá một năm mà chúng tôi vẫn còn đang chia cách. Tự dưng nhớ món cua lông quá đi mất!
TTO - Tui xới cơm ăn thấy thơm mùi lạ quá, con dâu cho hay cơm này nấu bằng nước dừa tươi, và mời mẹ dùng thử món tôm rim. Tui gắp con tôm, cắn vô phải nói là thêm một lần tá hỏa nữa bởi vị lạ gây sốc, nuốt không vô mà nhả ra không tiện.
Xem thêm: mth.22823240231301202-iah-gnouht-gnol-auc-aum/nv.ertiout