Theo đó, TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Công ty TNHH Bay Water (Bay Water) và Công ty Sun Wah Viet Nam Real Estate Limited (Sun Wah), công nhận nghị quyết sửa đổi điều lệ của Bay Water. Công ty Bay Water có 2 thành viên góp vốn là Công ty TNHH đầu tư SATO (SATO, góp 10% vốn) và Sun Wah (90% vốn).
Tại phiên phúc thẩm giải quyết vụ việc, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM có ý kiến cho rằng tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và chấp nhận yêu cầu của Công ty SATO, hủy nghị quyết sửa đổi điều lệ là đúng pháp luật. Và đề nghị hội đồng phiên họp không chấp nhận kháng cáo của Công ty Bay Water và Công ty Sun Wah, giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Tuy nhiên, hội đồng phiên họp phúc thẩm có nhận định khác với Viện KSND cấp cao. Theo nhận định của hội đồng, trong điều lệ của Bay Water có điều khoản quy định tỉ lệ biểu quyết sửa đổi điều lệ có mâu thuẫn với điều khoản khác, cho nên cần phải căn cứ Luật doanh nghiệp 2014 để xem xét.
Theo điều 60 Luật doanh nghiệp, việc sửa đổi, bổ sung điều lệ sẽ được thông qua với số phiếu đại diện cho 75% số vốn góp, trong khi đó Sun Wah chiếm 90% vốn góp nên có quyền thông qua. Từ đó, chủ tọa phiên họp tuyên chấp nhận kháng cáo của Công ty Bay Water và Sun Wah, không chấp nhận ý kiến của Viện VKSND cấp cao và Công ty SATO. Sau quyết định phúc thẩm của TAND cấp cao, Công ty SATO đã gửi đơn đề nghị kháng nghị xem xét quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, thành viên SATO phát hiện Công ty Bay Water thực hiện các khoản vay dù SATO không đồng ý nên đã gửi đơn phản ánh đến nhiều cơ quan. Đồng thời SATO cũng kiện ra tòa yêu cầu tuyên hủy nghị quyết sửa đổi điều lệ Bay Water được thông qua mà không có sự đồng ý của SATO.
TTO - Góp vốn hơn trăm tỉ đồng, cùng đối tác lập công ty để thực hiện dự án, thế nhưng khi công ty vay hàng trăm tỉ đồng thì một trong hai "ông chủ" lại không hề được ký hồ sơ vay, thậm chí không biết có việc thế chấp vay vốn.