Nhà đầu tư có vẻ đang sống trong vỏ bọc tách biệt với thế giới thực. Bên ngoài, gió có thể đang gào thét, bão tố quay cuồng còn mặt đất rung chuyển nhưng tất cả những gì nhà đầu tư thấy chỉ là ảo ảnh toàn màu hồng.
Theo South China Morning Post (SCMP), các thị trường chứng khoán đang tiến lên như vũ bão cùng với sự sánh bước của thị trường trái phiếu. Trong khi đó, điều duy nhất có vẻ khiến nhà đầu tư đau đầu là quyết định xem thị trường nào - trái phiếu hay cổ phiếu – có triển vọng sinh lời tốt hơn.
Sự tương phản giữa ảo ảnh và thực tế trở nên rất rõ ràng vào tuần trước khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo rằng các nỗ lực của thế giới chưa được thực hiện đủ nhanh để vượt qua hậu quả của COVID-19. Nếu không khẩn trương, nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp phải thiệt hại lâu dài.
Ông Angel Gurría, Tổng Thư ký OCED phát biểu: "Không có chỗ cho sự tự mãn. Vắc xin phải được triển khai toàn cầu và nhanh hơn so với hiện nay. Mục tiêu này đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp quốc tế tốt hơn những gì chúng ta đã thấy thời gian qua".
Nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD nói thêm rằng mọi biện pháp hỗ trợ tài khóa trên toàn thế giới sẽ chẳng có ích gì nếu việc tiêm vắc xin không được đẩy nhanh để toàn bộ hoạt động kinh tế được nối lại.
Trong lúc bà Boone phát biểu, các thị trường chứng khoán vẫn miệt mài lao lên phía trước và một nhà quản lý quỹ tiếng tăm dõng dạc tuyên bố: "Giờ là lúc nhà đầu tư nạp tiền vào danh mục – cho cả cổ phiếu giá trị và tăng trưởng – để đón đầu cuộc phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn dự kiến".
Liệu khoảng cách nhận thức đáng kinh ngạc giữa nhà đầu tư nấp sau vỏ bọc và những người trực tiếp hoạch định chính sách có quan trọng hay không?
Câu trả lời là có. Ngoài mối nguy tiêm phòng COVID-19 không được tiến hành đủ nhanh để duy trì cuộc hồi phục kinh tế và ngăn chặn khủng hoảng tài khoá (hoặc ngăn khủng hoảng nợ trầm trọng thêm), cú nổ của bong bóng chứng khoán ngay bây giờ có thể cực kỳ tai hại.
Đến cuối năm 2020, tổng vốn hóa của các thị trường chứng khoán toàn cầu đã leo đến mức kỷ lục 95.000 tỷ USD, theo ước tính của Apollo Global Asset Management. Con số này lớn hơn cả tổng GDP toàn cầu là 88.000 tỷ USD cuối năm 2019, theo tính toán của Statista. Sự chênh lệch này cho chúng ta thấy giá chứng khoán có thể bị đẩy lên trên giá trị thực cao đến đâu.
Đã từng có lúc giá chứng khoán là thước đo sức khỏe kinh tế. Nhưng đó là trước khi nới lỏng định lượng ra đời và các nhà chức trách bắt đầu in tiền tùy tiện đến mức các nhà máy sản xuất giấy vệ sinh phải chào thua.
Giờ đây, dòng thu nhập và cổ tức của doanh nghiệp xác định giá cổ phiếu trước cả khi chính sách tiền tệ được triển khai toàn lực. Sự thay đổi này đã cuốn phăng nhu cầu hiển nhiên về các mối liên kết hợp lý giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế.
Thật không may, nhà đầu tư có vẻ chưa nhận ra rằng bong bóng chứng khoán đang tự nuôi sống chính nó. Bong bóng khuyến khích suy nghĩ rằng nền kinh tế rất ổn và điều này lại thúc đẩy thêm các hành động đầu cơ.
Hiện tại, chúng ta có nguy cơ sẽ để mặc cho câu chuyện được quyết định bởi lạm phát giá tài sản hơn là bởi diễn biến thực tế. Chỉ khi những dao động về giá tài sản trở thành cơn địa chấn thì sự lạc quan ảo tưởng mới bị xua tan.
Bốc đồng
Đúng là tình hình đã trở nên tươi sáng hơn trước nhờ việc tiêm ngừa COVID-19 được tiến hành nghiêm túc tại một số nước và kích thích tài khóa ồ ạt từ Mỹ và vài quốc gia khác. Nhà kinh tế trưởng Boone của OECD nói rằng các ngân hàng trung ương sẽ làm ngơ trước dấu hiệu lạm phát giá tài sản và dịch vụ và tiếp tục in thêm tiền. Nhưng tốc độ và thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào cuộc chạy đua giữa vắc xin và virus, theo OECD.
Bà Boone cũng chỉ ra rằng dù tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo đạt 5,6% trong năm nay (tăng một điểm % so với dự báo của OECD tháng 12 năm ngoái), nhưng điều đó sẽ chỉ đưa kinh tế thế giới trở lại mức trước đại dịch.
Phát biểu của OECD không có mục đích khiến mọi người bi quan. Nhưng nhà đầu tư cần nhìn thẳng thực tế.
P/E của một số cổ phiếu Mỹ đã chạm ngưỡng 90 và chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đang trở lại mức giai đoạn bong bóng những năm 1980.
CEO Nigel Green của tập đoàn đầu tư deVere chỉ ra "có nguy cơ đồng USD mất giá" do gói kích thích tài khóa 1.900 tỷ USD được ban hành tuần trước. Nhưng thay vì chuyển sang hầm trú ẩn truyền thống là vàng, nhà đầu tư lại đổ vào bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác.
Oxford Risk viết trong báo cáo rằng: "Môi trường kinh tế, tài chính và thị trường chứng khoán hiện nay cùng sự gia tăng gần đây trong định giá tài sản mã hóa và giao dịch nhỏ lẻ đã tạo ra một tình huống mà rủi ro đầu tư theo cảm tính đã đạt đến một đỉnh cao mới".
Theo Oxford Risk, "đầu tư theo cảm tính" liên quan đến việc mọi người hành động theo các cơn bốc đồng, mua và bán chứng khoán dựa trên thị trường tăng và giảm. Rõ ràng giờ là lúc nhà đầu tư bớt cảm tính và lý trí hơn.
Xem thêm: mth.40855554151301202-ov-gnob-gnob-ihk-court-gnom-hnit-nac-ym-ut-uad-ahn/nv.zibmanteiv