Ông Nguyễn Sang, được biết đến với chương trình "Tiếng hát vì người nghèo", đã tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện suốt những năm qua, trong đó có hoạt động tặng áo quan (quan tài) cho người nghèo khi họ qua đời.
Không còn tiền để mua chiếc quan tài
Khi đồng hành cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ cho người nghèo với nhiều hoạt động như cứu trợ vùng sâu, vùng xa, trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng xe lăn, nhà tình thương cho người tàn tật, bữa cơm cho người nghèo..., ông Sang mới biết có nhiều người neo đơn nghèo đến mức khi chết không còn tiền để mua được một chiếc quan tài. Vậy là từ 18 năm trước, ông đã cùng với các nhà hảo tâm tặng quan tài cho người nghèo trước khi qua đời.
Ông Sang kể lần đó một người đàn ông ở trong nhà trọ tử vong. Lúc nhận được tin về hoàn cảnh gia đình, nhóm của ông đã đưa quan tài đến thì thấy người mất phải nằm ngoài sân vì chủ nhà trọ không cho nằm trong nhà nữa.
Những người cộng sự của ông tẩm liệm cho người đàn ông này, xong đem chở đi thiêu và trả tiền thiêu thi thể giúp gia đình. Sau đó hỗ trợ gia đình thêm tiền sinh sống trong những tháng tiếp theo...
"Ngôi nhà quan trọng như thế nào với người sống thì cái áo quan quan trọng như vậy đối với người chết", ông Sang cho hay.
"Nỗi mất người thân đã đau khổ mà còn phải chạy vạy xin người này ít tiền, vay người kia ít tiền để mua chiếc quan tài thì thấy càng thương tâm hơn. Cho nên, tặng áo quan cho người nghèo còn xoa dịu nỗi đau cho những người thân của họ, để họ an tâm là người chết có cái áo quan rồi" - ông Sang chia sẻ thêm.
Giúp đỡ người nghèo cũng cần phải hiểu họ có những khó khăn gì. Tặng họ một chiếc áo quan nhưng nếu không đưa đến tận nhà cho người thân của họ, người thân của họ cũng không biết sẽ lấy bằng cách như thế nào. Cũng từ cách nghĩ thấu đáo như vậy, ông Sang đã cho sắm một chiếc xe để chở quan tài đến tận nơi.
Số quan tài được ông đặt mua mỗi lần là 100 cái, để ở Châu Thành (Đồng Tháp), Mỹ Tho (Tiền Giang)... và được chở đến những người nghèo miền Tây khi có nhu cầu.
Còn những người ở những nơi khác như Đồng Nai, Vũng Tàu... khi có người cần, ông Sang kết nối với những người có tấm lòng ở các tỉnh giúp họ.
Gần 20 năm qua, ông Nguyễn Sang cùng nhiều ca sĩ như Hương Lan, Họa Mi, Thùy Dương... biểu diễn, thu âm, làm kênh YouTube có 1.500 thành viên, có tiền giúp đỡ người khó khăn. Hằng tháng các thành viên này đều đi họp để nghe báo cáo thu chi, chương trình đã làm trong tháng qua và sắp tới...
Ông Sang kể các thành viên - những nhà hảo tâm đồng hành cùng ông có tuổi nhỏ nhất là 6 tuổi và lớn nhất là 78 tuổi. Những cháu nhỏ này đã dành dụm tiền bỏ ống heo, tiền lì xì để giúp người nghèo.
Có nhà hảo tâm đang cho thuê căn nhà 5.000 USD/tháng nhưng đã cho ông sử dụng căn nhà này làm nơi đón người nghèo đến mua những suất ăn giá 2.000 đồng. Ngay cả những người bán quan tài bình thường với giá 6-8 triệu đồng/chiếc thì biết ông giúp người nghèo chỉ bán cho ông với giá 4 triệu đồng/chiếc...
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hà - chánh xứ giáo xứ Mân Côi, giáo hạt Chư Sê, Giáo phận Kon Tum - chia sẻ đồng bào trên này rất khó khăn.
Từ khi phát hiện có những người nghèo khi qua đời không có chiếc quan tài để chôn, ông đã lấy tiền mà ông được người khác cho hoặc vận động những người quen để cùng chung tay lo cho những người nghèo này.
Ông dẫn chúng tôi đến một căn chòi lợp lá rách nát, đó là "nhà" của cụ bà Siu Péo, người Jrai, Chư Sê, Gia Lai. Bà đang cầm chiếc rựa nhỏ chẻ cây nhóm lửa. Ông Hà kể bà sống một đời lầm lũi như vậy, không người thân, không nơi nương tựa.
Đã ở tuổi xế chiều của bà, ông Hà để dành chiếc quan tài là chút ấm áp sẻ chia khi bà lìa cuộc đời. "San sẻ cho họ đến phút cuối đời là tinh thần của những người hiểu và đóng góp cho việc làm này", ông Hà nói.
Hiện ở chỗ ông lúc nào cũng có vài chiếc quan tài luôn trong "tư thế sẵn sàng" đưa đến khi có người nghèo qua đời.
Chung tay lan tỏa
Ông Nguyễn Leo Long, chủ một doanh nghiệp sản xuất máy cung cấp nước sạch tại TP.HCM, và những người trong ca đoàn Thông Vi Vu mà ông là trưởng đoàn đã đến làng Blút Griêng, xã Al Bá, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai thì mới biết được có những người rất nghèo, còn hái lá để ăn, sống qua ngày.
Có nhiều người trong đoàn của ông đã không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cuộc sống của họ. Ông mong muốn có cách nào đó giúp họ về lâu dài để có một cuộc sống tốt hơn.
Ông biết có nhiều người nghèo đến mức khi qua đời không thể có được cái áo quan để được tẩm liệm.
Nhiều người có quan điểm "người đã chết rồi cho làm chi, lo cái gì quan trọng hơn" nên việc xin tiền tại địa phương để mua quan tài rất khó.
Chia sẻ điều đó với nhóm, ông Long nhận được những chia sẻ đầu tiên với lòng mong ước mang hơi ấm cuối đời cho người khó. "Chúng tôi huy động những người trong nhóm mỗi người góp một ít để lan tỏa việc làm ý nghĩa này" - ông Long nói.
Bạn Nguyễn Thị Thúy Hằng - 26 tuổi, ở quận Tân Phú, TP.HCM - chia sẻ bạn mới đi đến Gia Lai, đến thăm một bà cụ đang ở một mình.
Trong nhà bà không có cái gì, chỉ có một cái chòi và một cái bếp. Hằng nói có không ít trường hợp tương tự như bà cụ này nên nhóm của bạn sẽ chung tay cho người neo đơn có một chiếc quan tài lo hậu sự.
Bạn Hằng cho hay rời Gia Lai về TP.HCM bạn sẽ kết nối để chung tay vào việc hay và lạ này mà đến nay bạn mới biết.
"Lo hậu sự cho người nghèo cô đơn là tốt vì nghĩa tử là nghĩa tận. Còn nếu không nhận được quan tài, người trong buôn làng sẽ bỏ xác chết vô một cái gì đó rồi chôn đại ở dưới đất", Hằng nói.
Bạn trẻ với "của ít lòng nhiều"
Hằng đóng góp với suy nghĩ "của ít lòng nhiều", nhiều người đóng góp sẽ tạo thành một hoạt động góp quan tài cho người nghèo.
Là một bạn trẻ hiện đang đi làm tại TP.HCM, Hằng cho biết khi đi uống cà phê, Hằng luôn kể về những chuyến đi từ thiện với bạn bè để các bạn biết có những con người có cuộc sống nghèo đến vậy, đáng thương như thế. Bạn nào có tấm lòng cũng có thể chung tay đóng góp.
Đỡ khổ nhờ có chữ. Cứ vậy, anh mang bên mình lời răn ấy mà học mà hành. "Mẹ tôi cũng dạy sống một đời tử tế", anh chia sẻ.