Quy hoạch Đà Nẵng được phê duyệt, cảng Liên Chiểu sẽ có kinh phí để xây dựng?
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch đã điều chỉnh, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục cân đối bố trí vốn để đầu tư phát triển bến cảng Liên Chiểu.
Cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng hiện nay đón cả tàu hàng hóa và tàu du lịch. Với việc đầu tư cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng muốn tăng công suất phục vụ tàu hàng hóa cũng như đón nhiều tàu du lịch hơn. Ảnh: Nhân Tâm |
Trước đó, trong cuộc họp cuối tháng 2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo ý kiến của các bộ, ngành để trình Thủ tướng ký, ban hành.
Vào cuối năm 2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải và Tài chính truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu dựa theo tờ trình của Đà Nẵng đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án này.
Sau đó, vào đầu năm nay, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều có chung ý kiến có cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ bổ sung kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – Phần cơ sở hạ tầng dùng chung.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải khẳng định có cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Cụ thể, do dự án đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 nên ngân sách trung ương sẽ có trách nhiệm cân đối, bố trí vốn cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 dành cho phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư 3.426,3 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dự án kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững là 2.000 tỉ đồng, vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và được phân bổ theo ngành, lĩnh vực (số vốn tính điểm) là 994,59 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương bố trí giai đoạn 2021 – 2025 là 431,71 tỉ đồng.
Cũng nằm trong hợp phần đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, hợp phần 2 là hợp phần kêu gọi đầu tư, bao gồm các khu bến cảng, các bãi chứa container, kho hàng tổng hợp, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, mua sắm thiết bị và hình thành khu đô thị cảng…
Hợp phần này được đầu tư theo hình thức huy động, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với quy mô phù hợp quy hoạch và tương xứng theo từng giai đoạn phát triển; được triển khai song song với phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Quy hoạch cảng tại thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TL |
Theo quy hoạch cảng Đà Nẵng, hệ thống cảng biển Đà Nẵng là cảng biển loại 1, từng bước phát triển để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, gồm các khu bến Liên Chiểu; Khu Tiên Sa; Khu bến Thọ Quang; Bến phao Mỹ Khê. Trong đó, cảng Liên Chiểu có chức năng giảm tải cho khu bến Tiên Sa, dần phát triển thành khu bến chính có vai trò cảng cửa ngõ quốc tế, tiếp nhận tàu 100.000 tấn, tàu container đến 8000 TEU và lớn hơn.
Theo đơn vị tư vấn, quy hoạch cảng Liên Chiểu gồm 8 khu bến container, diện tích 118 ha; 4 khu bến tổng hợp, diện tích 58,8ha; 4 khu bến dầu, đê kè chắn sóng dài 2190 mét, 10 km đường ngoài cảng...
Theo quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng, phía sau khu bến cảng Liên Chiểu có khu phát triển logistics kết nối với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, hệ thống kho bãi. Đơn vị tư vấn thiết kế cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng xem xét một số nội dung, như đối với khu bến Tiên Sa, Thọ Quang: không quy hoạch thêm cầu bến, giới hạn công suất 12 triệu tấn/năm, trong đó vận tải bằng đường bộ 10 triệu tấn/năm.
Đà Nẵng sẽ có 3 vùng đô thị Theo Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt, mô hình và cấu trúc phát triển không gian Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng Ven mặt nước, vùng Lõi xanh, vùng Sườn đồi và 1 vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía Tây và phía Bắc, khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái. Đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế gồm Vành đai phía Bắc - Vành đai Công nghiệp công nghệ cao và Cảng biển - Logistics; Vành đai phía Nam - Vành đai Đổi mới sáng tạo và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. |