Chính sách của YouTube khuyến khích tạo ra nội dung hấp dẫn người xem. Kênh YouTube nào càng có đông người xem thì doanh thu được chia lại từ quảng cáo càng nhiều. Doanh thu thường được tính trên số lượt xem quảng cáo và số lượng click vào quảng cáo.
NỘI DUNG CÀNG NHẢM CÀNG... ĂN KHÁCH?
Theo báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra như nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng; cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy; gây hại cho trẻ em; sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền. Tuy nhiên bên cạnh các video, clip được đầu tư công phu, chứa đựng nội dung lành mạnh, bổ ích lại đang xuất hiện ngày càng nhiều video mang nội dung độc hại, nhảm nhí, giật gân, chủ yếu để câu view (thu hút được đông người xem).
Công an tỉnh Bình Dương làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn
Ngày 15-3, tại TP.Thủ Dầu Một, Thanh tra Sở TT-TT Bình Dương phối hợp với Công an tỉnh làm việc với YouTuber Thơ Nguyễn có tên là N.T.H.T (28 tuổi, ngụ Bình Dương) liên quan đến việc đăng tải video "xin vía học giỏi" trên kênh TikTok gây bức xúc dư luận xã hội thời gian qua.
Giải trình với cơ quan chức năng, YouTuber Thơ Nguyễn cho biết, đăng tải đoạn video có nội dung xin vía học giỏi trên mạng xã hội TikTok có 2 phần, nhưng do chính sách của TikTok chỉ cho đăng tải mỗi đoạn video có thời lượng tối đa là 60 giây, nên có tình trạng là video nêu trên được đăng tải ở hai thời điểm khác nhau gây hiểu nhầm cho cộng đồng mạng
Tại buổi làm việc, qua phân tích của cơ quan chức năng về nội dung các video clip, YouTuber Thơ Nguyễn đã nhận thức được hành vi vi phạm. YouTuber này cũng có những biểu hiện không tốt về sức khỏe và tâm lý, nên đã xin phép cơ quan chức năng tạm dừng buổi làm việc để về nghỉ ngơi và sẽ tiếp tục làm việc vào chiều 16-3-2021.
Vì muốn các nội dung vi phạm quy định này lọt lưới kiểm duyệt của Facebook, Google... các Vlogger đã nghĩ ra hàng loạt chiêu trò đối phó lách luật. Có nhiều clip ngụy trang là hoạt hình trẻ em nhưng chứa đựng nội dung người lớn. Để đối phó với bộ lọc kiểm duyệt từ ngữ của các mạng xã hội, các Vlogger ma mãnh dùng từ theo kiểu khác quy định để né kiểm duyệt nội dung tự động... Cũng như giới hacker có "hacker mũ trắng" theo chánh đạo - bảo vệ an ninh mạng, "hacker mũ đen" chuyên con đường tà đạo - xâm nhập phá hoại và "hacker mũ xám" - nửa chánh nửa tà, giới Vlogger cũng chia ra Vlogger "trắng", Vlogger "xám" và Vlogger "đen". Đáng tiếc, khá nhiều Vlogger có lượng theo dõi lớn hiện nay ở Việt Nam lại thuộc nhóm "xám" và "đen".
Các nền tảng công nghệ như YouTube, Facebook... đều có quy định chặt chẽ về các chủ đề không được đưa vào video. Thế nhưng do không đủ nguồn lực kiểm soát và sự ma mãnh, cố tình lách luật, vượt rào của các Vlogger nên điểm qua danh sách cấm của YouTube thì thật ngán ngẩm. Giới Vlogger "đen" gần như bám theo danh sách cấm này để làm nội dung video chuyên câu view. Chỉ cần lướt qua Facebook, YouTube sẽ thấy hàng loạt những clip với nội dung như "Thử thách một ngày làm chó”, "Troll đổ trứng lên đầu mẹ”, "Thử thách 24 giờ nằm trong quan tài" hay sặc mùi bạo lực, chửi bới của các "giang hồ mạng" như Khá Bảnh...
MỜ MẮT VÌ TIỀN
Hồi đầu năm nay, dư luận xã hội bị sốc trước clip quay cảnh một nam sinh lớp 8 ở Hà Nội giật lại điện thoại bị cô giáo tịch thu và tát luôn cô ngay giữa giờ học. Giữa luồng dư luận sôi sục lên án, cơ quan chức năng phải vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy đây là clip quay gần một năm trước đó, em học sinh trong clip vốn bị bệnh tự kỷ nên có phản ứng bất thường. Sau đó gia đình, nhà trường và cô giáo đã gặp nhau trao đổi mọi việc ổn thỏa trên tinh thần nhân văn.
Một số vụ tương tự có thể liệt kê như clip "thầy chùa ăn thịt chó”, clip "người dân giám sát cảnh sát giao thông", clip "scandal Võ Hoàng Yên bị tố cáo chiếm đoạt tiền vợ chồng ông Dũng "Lò vôi" hay clip "đám tang nghệ sĩ Chí Tài". Với những vụ việc này, các Vlogger đã tìm mọi cách quay phim hay xào nấu, dàn dựng để đưa ra thông tin bị bóp méo, sai sự thật. Nhà sư trong clip nói tên thực chất chỉ là sư giả. Trong khi vụ scandal Võ Hoàng Yên các Vlogger đã lục lọi moi móc nhiều thông tin đời tư của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và vợ là bà Nguyễn Phương Hằng kèm theo đủ lời lẽ bôi nhọ, xúc phạm, xâm phạm đời tư cá nhân.
Vụ mới đây nhất là trong tháng 3 này, sau khi ca sĩ Vân Quang Long qua đời, bà Nhâm Thị Tư (68 tuổi, ngụ ở Cao Lãnh), mẹ ruột ca sĩ đã phải cầu cứu chính quyền can thiệp. Nhiều người đã đến khu vực nhà bà quay phim và đăng tải các clip với nội dung bôi nhọ gia đình. Cảnh các Vlogger bu chung quanh đám tang nghệ sĩ, chĩa máy quay vào tận mặt người đến đám tang không xin phép... Chứng kiến cảnh này, nhiều người lắc đầu thở dài ví đám đông Vlogger "như bầy kền kền".
Theo quy định của YouTube, điều kiện bắt buộc để được nhà cung cấp bật nút kiếm tiền là mỗi kênh phải đạt 1.000 người đăng ký trở lên và 4.000 giờ xem trong 12 tháng. Kênh YouTube của Thơ Nguyễn cũng có nguồn thu khá lớn vì chỉ riêng thuế thu nhập chủ kênh này đóng đã lên đến 2 tỉ đồng, theo số liệu từ cơ quan thuế cung cấp. Theo thống kê từ từ Social Blade, kênh Hưng Troll có thu nhập từ 12.700 - 202.800USD/tháng, hay kênh Tam Mao mỗi tháng thu khoảng từ 15.000 - 240.000USD.
Thu nhập trăm triệu đến hàng tỉ khiến các Vlogger lao vào kiếm tiền bằng mọi giá. Chính vì vậy, trào lưu làm clip nhảm nở rộ và ngày càng tràn lan trong thời gian gần đây. Theo một nhà sáng tạo nội dung YouTube trong giới Vlogger "trắng", chỉ khi nào Youtube kiểm soát mạnh hơn, thậm chí là xóa kênh thì mới xử lý tận gốc vấn đề clip nhảm, độc hại. Theo nhà sáng tạo này, nếu không có biện pháp mạnh, tình trạng clip nhảm sẽ lại tái diễn bởi nguồn lợi từ nó là quá lớn. Người ta sẽ dễ dàng chấp nhận đóng phạt rồi tiếp tục làm clip nhảm kiếm tiền.
Chính sách về nội dung gây hại hoặc nguy hiểm của YouTube
Bạn không được đăng nội dung trên YouTube nếu nội dung đó trùng với bất kỳ phần mô tả nào dưới đây.
• Những thử thách cực kỳ nguy hiểm: Những thử thách có nguy cơ gây thương tích cho cơ thể.
• Những trò đùa nguy hiểm hoặc mang tính đe dọa: Những trò đùa khiến nạn nhân sợ hãi vì nguy cơ gây tổn thương cơ thể nghiêm trọng hoặc gây đau buồn nghiêm trọng về mặt tinh thần cho trẻ vị thành niên.
• Hướng dẫn giết người hoặc gây thương tích: Hướng dẫn người xem cách thực hiện các hoạt động nhằm mục đích giết người hoặc gây thương tật cho người khác. Ví dụ: Hướng dẫn cách chế tạo bom nhằm mục đích gây thương tích hoặc giết người.
• Bào chế hoặc sử dụng ma túy mạnh: Nội dung mô tả hành vi lạm dụng hoặc hướng dẫn cách bào chế ma túy mạnh như cocain hoặc thuốc giảm đau nhóm opioid. Ma túy mạnh là các loại ma túy (về cơ bản) có thể gây nghiện về thể chất.
• Chứng rối loạn ăn uống: Nội dung khen ngợi, tôn vinh, hoặc khuyến khích người xem bắt chước chứng chán ăn hoặc các chứng rối loạn ăn uống khác. Đặc điểm của chứng rối loạn ăn uống là các thói quen ăn uống bất thường hoặc không ổn định có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người (bao gồm cả việc ăn những thứ không phải là thức ăn).
• Sự kiện bạo lực: Khuyến khích hoặc tôn vinh những thảm kịch bạo lực, chẳng hạn như các vụ xả súng ở trường học.
• Hướng dẫn trộm cắp hoặc gian lận: Hướng dẫn người xem cách lấy cắp hàng hóa hữu hình hoặc cổ súy hành vi không trung thực
• Hành vi tấn công mạng: Hướng dẫn người xem cách sử dụng máy tính hoặc công nghệ thông tin để đánh cắp thông tin đăng nhập, xâm phạm dữ liệu cá nhân hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến người khác, ví dụ như (nhưng không giới hạn) hành vi xâm nhập tài khoản mạng xã hội
• Né tránh việc trả phí cho nội dung hoặc dịch vụ kỹ thuật số: Minh họa cho người xem thấy cách dùng trang web, ứng dụng hoặc công nghệ thông tin khác để truy cập trái phép và miễn phí vào những nội dung âm thanh hoặc nghe nhìn, phiên bản đầy đủ của trò chơi điện tử hoặc phần mềm hay những dịch vụ xem trực tuyến thường yêu cầu việc trả phí.
• Quảng bá các phương pháp điều trị hoặc phương thuốc nguy hiểm: Nội dung tuyên bố rằng các chất hoặc phương pháp điều trị gây hại lại có thể có lợi cho sức khỏe.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.328801_gnoul-nohk-aoh-na-golv-ioig-eht/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc