“Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ XIV Thủ tướng đã nói phải chấm dứt tình trạng “bắn chỉ thiên”, phải đổi mới về phương pháp, cách làm để không ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. 5 năm qua, Tổ công tác của Thủ tướng thường xuyên bám sát các ưu tiên trọng tâm, đôn đốc, kiểm tra có trọng điểm, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính…”.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm Tổ công tác. Ảnh VGP
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khái quát về quá trình hoạt động 5 năm của Tổ công tác của Thủ tướng sáng nay, 16-3.
Tiết kiệm 18 triệu ngày công, hơn 6.300 tỷ/năm
Báo cáo do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trình bày cho thấy hoạt động của Tổ công tác đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Nếu như cuối nhiệm kỳ XIII số lượng văn bản tồn đọng chiếm tới trên 25% thì đến 13-3, số văn bản còn nợ đọng chỉ chiếm trên 18%.
Cũng trong 5 năm qua, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, các văn bản hướng dẫn cũng giảm đi tối đa theo hướng một luật chỉ ban hành một nghị định, một ngnhị định chỉ ban hành một thông tư và ban hành văn bản mới phải bỏ ít nhất 1 văn bản.
“Bộ LĐ-TB&XH tích hợp 14 Nghị định hướng dẫn Luật Lao động còn 4 Nghị định; Bộ KH&ĐT tích hợp 12 Nghị định hướng dẫn thi hành các luật Doanh n ghiệp, đầu tư, đối tác công – tư còn 5 nghị định”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Đặc biệt, qua các cuộc kiểm tra, Tổ công tác đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tháo gỡ nhiều vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng sau đó đã yêu cầu các bộ rà soát, cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.
“Nhiều bất cập được Tổ công tác kiến nghị giải quyết. Chẳng hạn như việc giải phóng 24.000 container phế liệu ở Cảng Hải Phòng, tháo gỡ khó khăn cho hải sản miền Trung lúc biển bị ô nhiễm, giải quyết tình trạng một mặt hàng vài ba bộ quản lý. Cá biệt, tình trạng mà báo chí nêu “một chiếc bánh sô-cô-la cõng 13 giấy phép” đã được xử lý. Hiện không còn giấy phép nào nhưng sô-cô-la vẫn được sản xuất bình thường” - Bộ trưởng Dũng cho hay.
Đến nay, về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, đã cắt giảm, đơn giản hóa được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 TTHC liên quan; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã xử lý, giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm. Việc cắt giảm, đơn giản hóa này đã tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công và hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Để có được những kết quả ấy, Tổ công tác luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, làm việc quyết liệt với các bộ, ngành, lắng nghe các cơ quan tham mưu, doanh nghiệp, người dân. Mô hình Tổ công tác đã được 22 bộ và 63 địa phương áp dụng.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, trước đây một chiếc bánh sô-cô-la cõng 13 giấy phép, giờ không còn giấy phép nào nhưng sô-cô-la vẫn được sản xuất bình thường. Ảnh: VGP
“Công tác đôn đốc, kiểm tả là công cụ hữu hiệu để duy trì kỷ luật và cải cách hành chính. Tổ công tác đề nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để Tổ công tác phát huy hiệu quả trong thời gian tới”, Bộ trưởng Dũng nói.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp đều đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp lớn của Tổ công tác trong suốt 5 năm qua.
Quyết liệt, không ngại va chạm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu cho rằng, từ những vấn đề vĩ mô như thể chế đến các vấn đề vi mô như “một chiếc bánh sô-cô-la chịu 13 giấy phép” đều có phần đóng góp của Tổ công tác, giúp lấy lại và củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào nền hành chính quốc gia.
Theo Thủ tướng, có duy trì và tăng cường được kỷ luật hành chính thì mới xử lý nhanh được chhuyện của dân, của doanh nghiệp, mới tránh được tình trạng cơ chế chính sách chậm đi vào cuộc sống, nhiều tầng nấc trung gian khiến phát triển bị cản trở.
“Ở phiên họp đầu nhiệm kỳ, tôi đã nói: “Chúng ta không được bắt chỉ thiên, bắn đùng một cái nhưng bắn lên trời, không trúng ai cả. Phải chỉ rõ cơ quan, đơn vị, cá nhân đang gây ra ách tắc để khắc phục tình trạng bắn chỉ thiên, trên bảo dưới không nghe, phép vua thua lệ làng”, Thủ tướng nói và nêu lý do duy trì, tăng cường kỷ cương phép nước nên mới thành lập Tổ công tác.
“Tổ hoạt động quyết liệt, không ngại va chạm đem lại hiệu quả tích cực. Đây là điểm sáng nhất cần phải đánh giá rõ và nhấn mạnh hơn…”.
Chính công tác kiểm tra đã góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, khắc phục một phần quan trọng tình trạng “tham nhũng chính sách”, tư tưởng “cài cắm”, tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các thành tích, đóng góp của Tổ công tác đối với công cuộc cải cách, phát triển. Thủ tướng cho rằng, nâng cao kỷ luật hành chính, tháo gỡ khó khăn cho dân, doanh nghiệp là một cuộc cách mạng và còn cần phải tiếp tục.
Theo Thủ tướng, những thành quả nói trên mới chỉ là bước đầu quan trọng. Thủ tướng yêu cầu không phải say mê với thành tích mà chưa thấy những bất cập, tồn tại của đất nước, của xã hội, kể cả Tổ công tác. Bởi tình trạng trì trệ trong công việc, sự lạc hậu của một số thể chế chính sách vẫn còn đó.
Thủ tướng đề nghị các bộ, các cơ quan, địa phương không được chủ quan, không được sớm bằng lòng với kết quả đạt được, phải tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần quyết liệt, không để nợ đọng nhiệm vụ.
Sáng kiến của Thủ tướng Tại hội nghị, nhiều đại biểu đều thừa nhận rằng: Tổ công tác là một sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ. Ở hiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ XIV ngày 1-8-2016, Thủ tướng đã công bố và ngày 19-8-2016, Thủ tướng ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Tổ công tác). Tổng cộng đã có hơn 300 nhiệm vụ cụ thể được Tổ công tác báo cáo kiên nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện. Trong 5 năm qua, mỗi tháng Tổ công tác tổ chức từ 2-3 buổi làm việc với các bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay đã tiến hành 104 cuộc kiểm tra với hàng trăm lượt làm việc với 80 bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức 16 buổi làm việc với các Hiệp hội để lắng nghe phản hồi chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm, hoạt động của Tổ công tác đều có những thông điệp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. |