Doanh nghiệp bớt bị 'hành' vì giấy phép con
Lê Anh
(KTSG Online) – Với sự kiểm tra đốc thúc thường xuyên của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp như sản xuất chocolate cần 13 loại giấy phép đã giảm đáng kể.
Trước đây, doanh nghiệp in muốn nhập khẩu máy in phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau đó, bất cập này đã được tháo gỡ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuât tại một doanh nghiệp in. Ảnh: Sơn Liên |
Ngày 16-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm hoạt động đối với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nhằm đánh giá lại kết quả mà tổ công tác này thực hiện trong nhiệm kỳ.
Báo cáo về kết quả đạt được trong 5 năm qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhiều vấn đề bức xúc gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp chậm được xử lý Tổ công tác phát hiện, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc giải quyết kịp thời.
Tổ công tác đã kịp thời đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan phải rà soát, sửa đổi, bãi bỏ nhiều quy định tại 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Đơn cử như việc xử lý hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng ở cảng; vấn đề cấp phép nạo vét, khơi thông luồng lạch có tận thu; sản xuất chocolate cần 13 giấy phép chuyên ngành...
Tổ công tác đã đôn đốc thay đổi lề lối và phương thức làm việc, chuyển từ thủ công sang môi trường điện tử cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc đưa vào vận hành 4 hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp; giúp cắt giảm 16.200 tỉ đồng/năm chi phí xã hội (theo cách tính của OECD)
Với sự giải quyết kịp thời các vấn đề mà người dân, doanh nghiệp phản ánh nên tỷ lệ các công việc được Thủ tướng giao các bộ, ngành bị quá hạn đến cuối năm 2020 chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với thời điểm thành lập Tổ công tác. Tỷ lệ đề án chưa trình đến hết tháng 2-2021 chỉ còn 0,5%, bằng 1/4 so với cuối nhiệm kỳ trước (2,26%).
Nói về việc cắt giảm thủ tục hành chính, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc quản lý an toàn thực phẩm cần rất nhiều điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ví dụ như, việc sản xuất chocolate cần 13 giấy phép, mà không biết giấy phép nào trước, giấy phép nào sau.
Sau khi có Nghị định 15/2018 quy định chi tiết một số điều về Luật vệ sinh an toàn thực phẩm đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; nhiều thủ tục doanh nghiệp ngồi ở nhà có thể làm được. Khi Nghị định 15/2018 ra đời thì việc kiểm tra an toàn thực phẩm được tốt hơn; việc không còn kiểm tra chuyên ngành đã tiết kiệm được cho cơ quan quản lý 7,7 triệu ngày công.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, các vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp ngành dệt may như quy định khi nhập máy in thì người nhập phải có bằng cao đẳng in đã khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi doanh nghiệp gửi kiến nghị lên Tổ công tác của Chính phủ và được tháo gỡ doanh nghiệp ngành dệt may như trút được gánh nặng.
Với vai trò đặc biệt của tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng nhằm khắc phục tình trạng cứ nói mà không làm, trên bảo dưới không nghe làm cản trở sự phát triển.
Thủ tướng cho biết, việc thành lập tổ công tác đã giúp hoàn thiện thể chế, khắc phục tình trạng tham nhũng chính sách, tư tưởng “cài cắm”, tạo rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng, tổ công tác không phải là cấp trên của các bộ, ngành, địa phương mà chỉ được ủy quyền của Thủ tướng trong việc kiểm tra, đôn đốc, phát hiện. Vì thế, Tổ công tác không làm thay chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Trong quá trình làm việc cần hợp tác cùng phối hợp xử lý công việc chung.
Đối với ngành hải quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dù đã có cải cách khi áp dụngcông nghệ vào kiểm tra, tuy nhiên vẫn còn nhiều than phiền liên quan đến hải quan, khi vẫn còn những thủ tục rắc rối, đặc biệt là tiêu cực trong hải quan.
Thủ tướng dẫn ví dụ vụ buôn lậu xăng dầu giả, kém chất lượng ở phía Nam cũng liên quan đến hải quan. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị ngành hải quan cần rà soát lại để cải cách và đổi mới hơn nữa.
Mời xem thêm:
Xem thêm: lmth.noc-pehp-yaig-iv-hnah-ib-tob-peihgn-hnaod/995413/nv.semitnogiaseht.www