Cuối tháng 1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt giữ một nữ quái có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để đầu tư tiền ảo.
Đối tượng bị bắt giữ là Trần Thị Phương (SN 1984), trú tại khu tập thể Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo cơ quan CSĐT, bà T. là chủ nhiệm một HTX (trú tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), trong đó Phương là kế toán HTX này. Theo đó, lợi dụng lòng tin của chủ nhiệm HTX, Phương đã đánh tráo và rút toàn bộ 116 tỷ đồng trong 47 sổ tiết kiệm của chủ nhiệm HTX để đầu tư vào tiền ảo oneCoin và bị thua lỗ.
Trước đó, cuối tháng 5/2018, cơ quan chức năng tiến hành điều tra vụ 32.000 nhà đầu tư tố bị chiếm 15.000 tỉ đồng tiền đầu tư dự án tiền ảo iFan của Công ty Modern Tech, Pincoin gây bức xúc trong dư luận. Theo CQĐT, vụ việc này có dấu hiệu lừa đảo qua hình thức huy động vốn đa cấp, lấy tiền người mua tiền ảo sau trả cho người mua trước với tỷ lệ lãi suất cao nhằm thu hút nhiều NĐT tham gia; sau khi huy động được lượng tiền lớn thì giải thể công ty để chiếm đoạt, đẩy người chơi vào cảnh nợ nần.
Có thể nói, việc người dân bị cuốn vào cơn lốc của tiền điện tử, đầu tư tiền ảo theo hình thức đa cấp đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình.
Tại Việt Nam, nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo với hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người tham gia ngày càng nhiều. Ước tính có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch "tiền ảo" với số tiền giao dịch hàng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. Chỉ riêng trên sàn giao dịch tiền ảo Remitano, khối lượng giao dịch hằng ngày giữa tiền ảo và tiền VNĐ vào khoảng từ 70-100 tỷ đồng, thời kỳ cao điểm có thể lên tới 300-400 tỷ đồng/ngày.
Còn theo trang web "www.coin.dance", khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.615 tỷ đồng/tuần... Các sàn tiền ảo lớn đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex... Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn giao dịch thông qua các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội, ứng dụng gọi điện, nhắn tin qua mạng (Telegram, Whatapp, Viber, Facebook...).
Theo một số chuyên gia, lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng chủ yếu là đầu tư tài chính hoặc ICO các đồng "tiền ảo". Các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để tạo lòng tin cho nhà đầu tư tham gia như tổ chức các sự kiện hoành tráng, các diễn giả tham gia là những người giàu có, doanh nhân nổi tiếng, các nhân vật có địa vị trong xã hội.... Tuy nhiên, vòng đời của một sản phẩm các đối tượng lập ra rất ngắn, đôi khi chỉ vài tháng, đến khi lôi kéo được số người tham gia lớn với số tiền lớn hoặc khi mất khả năng thanh toán, chi trả cho nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.
70-80% số người tham gia thị trường tiền ảo mất tiền
Là một người có kinh nghiệm 4 năm trên thị trường tiền kỹ thuật số (tiền ảo), anh Nguyễn Hữu Cương chia sẻ, thị trường tiền kỹ thuật số phát triển còn mới, tuy có lợi nhuận nhưng đi kèm với nó là những rủi ro. Hiện tại thị trường có khoảng 8000 đồng tiền kỹ thuật số, nếu các bạn không biết lựa chọn thì việc mất tiền rất dễ dàng xảy ra.
Từ kinh nghiệm thực tiễn sau 4 năm tham gia đầu tư tiền kỹ thuật số, anh Cương cho biết, có rất ít người phất lên từ thị trường này. Theo anh Cương, có tới 70%-80% số người tham gia vào thị trường này bị thất thoát tiền bạc. Trong đó, chủ yếu là tham gia các dự án trả lãi suất, theo kiểu gọi vốn đầu tư theo kiểu trả lãi. Bởi, những đồng tiền kỹ thuật số kiểu này không đứng trên sàn quốc tế mà họ chỉ giao dịch trên sàn nội bộ, do những người mua trao đổi với nhau.
Anh Cương cho rằng, người chơi cần để ý, đối với những dự án nào mà trả lãi từ 15-30% thường là dự án ảo.
Để người chơi tiền kỹ thuật số tránh khỏi đầu tư sai, anh Cương chia sẻ, khi tham gia lĩnh vực này, người chơi phải tìm hiểu kỹ, không nghe theo đám đông. Tìm hiểu xem đồng tiền này ra đời với mục đích gì, đội ngũ sáng lập là ai, đã được niêm yết trên sàn giao dịch lớn hay chưa?
Hiện, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì việc sản xuất, lưu thông tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Hoàn toàn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo, do đó trong tương lai sẽ còn xảy ra nhiều vụ tương tự nữa với nhiều nạn nhân và hệ lụy có thể còn thê thảm hơn nữa.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh khẳng định, theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa.
Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng. Thứ nhất, vật đó phải là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại dưới dạng chất rắn, lỏng, khí và con người có thể chiêm ngưỡng, kiểm soát được, như nhà cửa, ô tô, xe máy...Thứ hai, tiền - phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành và được Nhà nước bảo hộ. Thứ ba, giấy tờ có giá trị, có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Thứ tư, quyền tài sản, tức quyền giá trị được thể hiện bằng tiền, bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng đất, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ...
Đối chiếu các quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong 4 dạng trên.
Theo luật sư Bình, ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, ngày 21-7-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo, khẳng định: "Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.
Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung)./.
Nguyễn Hiền
VOV
Xem thêm: nhc.10925338081301202-ueih-ma-gnohk-iv-neit-tam-aig-maht-iougn-os-08-87-oa-neit-ut-uad/nv.zibefac