Tại trung tâm du lịch lớn nhất nước, chỉ 10-15% công ty còn hoạt động và có khách
Đào Loan
(KTSG Online) - Số lượng doanh nghiệp du lịch tại TPHCM, trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước đã sụt giảm rất mạnh sau hơn một năm đương đầu với Covid-19. Hiện tại, chỉ còn 10-15% trong tổng số doanh nghiệp du lịch tại thành phố còn hoạt động và có khách.
Khách du lịch tại trung tâm TPHCM hồi trước dịch Covid-19. Ảnh: Đào Loan |
Thông tin nêu trên được người đại diện Sở Du lịch TPHCM cung cấp tại buổi tọa đàm về quy trình tổ chức du lịch an toàn do Hiệp hội Du lịch TPHCM tổ chức vào ngày 18-3 tại TPHCM.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành thuộc Sở Du lịch TPHCM, hiện ngành du lịch đang thực hiện điều tra về nguồn nhân lực du lịch của thành phố nên chưa có số liệu thống kê cụ thể về tình hình nguồn nhân lực và số lượng doanh nghiệp du lịch, khách sạn.
Tuy nhiên, có thể nói rằng, sau hơn một năm bị Covid-19 làm suy giảm lượng khách, chỉ còn 10-15% trong tổng số doanh nghiệp du lịch tại TPHCM còn hoạt động và có khách.
TPHCM là nơi có số lượng doanh nghiệp du lịch nhiều nhất của cả nước, với khoảng 1.200 doanh nghiệp. Sau hơn một năm khó khăn vì đại dịch, có 150 công ty lữ hành quốc tế và nội địa đã rút giấy phép. Nhiều công ty tuy vẫn giữ giấy phép nhưng không thể hoạt động vì không có du khách.
Với khách sạn, đa số vẫn đóng cửa. Công suất phòng bình quân của những khách sạn còn mở cửa chỉ đạt khoảng 10-15%.
Trước khó khăn đó, UBND TPHCM vừa giao các sở, ngành đánh giá tình hình thực tế để kiến nghị Chính phủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Sở Du lịch cũng đã đặt vấn đề tương tự với Tổng cục Du lịch trong buổi làm việc tại TPHCM vào tuần này.
"Chúng tôi đang cùng các sở, ngành liên quan đánh giá lại thiệt hại để báo cáo, kiến nghị công nhận du lịch là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch nhằm có chính sách hỗ trợ", ông Việt Anh nói.
Theo ông Lại Minh Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, với khó khăn quá lớn như hiện nay, ngành du lịch muốn tồn tại thì phải có những chính sách hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp. Hiệp hội đã kiến nghị nhiều chính sách như miễn - giảm thuế, tiền điện, tiền thuê đất, phí bảo hiểm, cho vay lại tiền ký quỹ và vẫn đang rất mong được chấp thuận để doanh nghiệp bớt khó khăn.
Tháng 8-2020, Sở Du lịch TPHCM cũng có văn bản gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì qua dịch. Trong đó, có kiến nghị cho doanh nghiệp lữ hành được vay lại 50% tiền ký quỹ tại ngân hàng thương mại trong vòng một năm, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động để có thể khởi động lại khi dịch được khống chế.
Theo Luật Du lịch, tiền ký quỹ cho công ty kinh doanh dịch vụ cho khách quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng, 500 triệu đồng với công ty làm tour cho khách Việt ra nước ngoài. Trong trường hợp kinh doanh cả ba mảng, tiền ký quỹ vẫn là 500 triệu đồng.
Mời đọc thêm:
Bộ GTVT thông tin về phương án nối chuyến bay thương mại quốc tế
Hà Nội, Quảng Ninh kích cầu thu hút khách du lịch
Nghiên cứu 'hộ chiếu vaccine', tính chuyện nối lại đường bay thương mại