Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đồ án bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha với quy mô dân số từ 280.000 đến 320.000 người, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện.
Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.
Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng (Ảnh: Báo Nhân dân)
Đồ án đề xuất 8 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5 - 15% gồm: Thượng Cát - Liên Mạc; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức, Tàm Xá - Xuân Canh.
Các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ. Ngoài ra, còn được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...
Những lo lắng, trăn trở?
Từ năm 1954 đến nay, có 7 lần quy hoạch chung thủ đô đã được ban hành. Mỗi lần đều đề cập quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng thủ đô theo Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Từ đó đến nay, có khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, nhưng Hà Nội vẫn chưa thông qua được quy hoạch nào.
Quy hoạch đô thị sông Hồng được cho là hội tụ đủ yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa", được kỳ vọng tạo xung lực tích cực giải phóng các nguồn lực xã hội to lớn cho phát triển kinh tế thủ đô Hà Nội nhanh và hiệu quả hơn.
Nhưng chắc chắn nó phải đảm bảo được yếu tố sinh kế, cuộc sống của những cư dân trong vùng quy hoạch. Bởi ở thời điểm này, những người dân đang sống trong khu vực được quy hoạch cũng mang nhiều lo lắng, trăn trở. Đặc biệt là những cảnh đời sống ở những nơi được coi là những xóm ngụ cư, sống tha phương thiếu thốn như ở bãi giữa sông Hồng.
Khi biết thông tin Hà Nội chuẩn bị công bố quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, ông Thành, bà Thủy cũng cảm thấy lo lắng.
Bãi giữa sông Hồng chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 2 km, khác với cuộc sống náo nhiệt, tấp nập… cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống trên những chiếc thuyền, những chiếc bè nổi đều không điện, không nước.
Vợ chồng ông Thành, bà Thuỷ - người 84, người 85 tuổi, bà mới bị mù 3 - 4 năm nay ông thì bị nặng tai. Ông thường đi nhặt ve chai kiếm 10.000 - 20.000 đồng mỗi ngày để nuôi bà. Thi thoảng ông còn tham gia cứu nạn những phận người xấu số trôi dạt trên sông.
Hai ông bà không con cái, không người thân thích, sống hơn chục năm ở bãi giữa sông Hồng mà không có hộ khẩu, không được thừa nhận. Khi biết thông tin Hà Nội chuẩn bị công bố quy hoạch 2 bên bờ sông, ông Thành cũng cảm thấy lo lắng.
Bà Thuỷ từ khi bị mù 2 mắt cũng không còn khả năng đi nhặt ve chai, mọi sinh hoạt đều nhờ cả vào ông Thành. Chung nỗi lo lắng về chỗ ăn ở khi thành phố di dời dân ở các bãi sông nhưng bà cũng cho rằng, việc di dân là hợp lý để thành phố quy hoạch các khu văn hoá sinh thái cho người dân sinh hoạt một cách văn minh, tránh tình trạng nhiều gia đình ở trên phố có nhà có cửa đàng hoàng nhưng vẫn xuống bãi giữa sông Hồng tự ý làm nhà làm bè chỉ để có chỗ vui chơi.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến sẽ tác động tới 1 triệu dân sống ngoài đê.
Không chỉ ở bãi giữa sông Hồng, ngay cả những khu xóm dưới chân cầu Long Biên, những khu xóm sát bờ sông còn có hàng chục nghìn hộ gia đình sinh sống. Họ đều là những người lao động nghèo, làm đủ thứ nghề từ kéo xe, bán hoa quả dạo, bốc vác đến nhặt ve chai, trồng hoa màu để bán… Đặc biệt, hầu hết trong số họ đều không còn sổ hộ khẩu ở quê, cũng không được thừa nhận chính thức ở nơi đây.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến sẽ tác động tới 1 triệu dân sống ngoài đê. Số phận các xóm ngụ cư, cư dân nghèo ở bờ, bãi sông Hồng, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 2 km chưa biết sẽ được định đoạt ra sao.
Chỉ biết rằng dù đã từ chối trả lời phỏng vấn của phóng viên VTV vì lý do tự ti là dân "nhảy dù", dân "ngụ cư"... nhưng tất cả họ đều có chung một mong muốn: Hà Nội cần sớm có quy hoạch cụ thể, để họ có chỗ ăn ở sạch sẽ, bớt nhếch nhác, có điện nước và có hộ khẩu để thoát khỏi cái gọi là "xóm ngụ cư", "xóm ổ chuột"…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!