Sở Giao thông vận tải vừa đề xuất UBND TP Hà Nội ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án đường vành đai, trong đó có dự án đầu tư cải tạo, mở rộng vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy).
Đáng chú ý, với nhóm dự án đường vành đai, sở trên đề xuất ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đối với 3 dự án, cụ thể:
Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) với quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỉ đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự án được triển khai nhằm giảm áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 phía Bắc với chiều dài khoảng 14km, tổng mức đầu tư dự kiến 12.046 tỉ đồng nhằm khép kín đoạn còn lại của tuyến đường vành đai 3 phía Bắc.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm 4 làn xe), tổng mức đầu tư khoảng 850 tỉ đồng.
Sở này đánh giá dự án trên nhằm từng bước hoàn thiện tuyến đường trục hướng tâm hồ Tây - Ba Vì, tăng cường kết nối đường Hoàng Quốc Việt với đường Trần Vỹ, giảm tải cho nút giao Mai Dịch và tuyến đường 32 hiện hữu.
Tổng mức đầu tư 3 dự án trên là hơn 21.300 tỉ đồng.
Trước đó, sáng 11-1-2023, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ thông xe chính thức tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở.
Dự án đường vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội), bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng bên dưới, tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỉ đồng, theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Đoạn tuyến vành đai 2 trên cao dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.
Dự án nối liền ba quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, được khởi công từ năm 2018.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải thực hiện nghiêm việc khai thác mỏ cát, đất phục vụ dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô. Đặc biệt, khai thác phải đúng công suất, vị trí, vận chuyển đúng điểm đi, điểm đến.