Lợi suất tăng sốc, chứng khoán Mỹ lao dốc
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite lao dốc 3%, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 25/2. Các Big Tech như Apple, Amazon và Netflix đều sụt hơn 3%. Đại gia xe điện Tesla mất gần 7%.
Chỉ số S&P 500 tụt 1,5% khỏi đỉnh lịch sử, đóng cửa ở 3.915 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones cũng mất 153 điểm, tương đương gần 0,5%, và kết phiên ở 32.862 điểm. Phiên trước (17/3), Dow Jones lập kỷ lục mới khi lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 33.000.
Theo CNBC, trong phiên 18/3, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm có lúc nhảy vọt 11 điểm cơ bản lên 1,75%, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Lợi suất kỳ hạn 30 năm cũng có lúc tăng 6 điểm cơ bản và vượt ngưỡng 2,5% lần đầu tiên kể từ tháng 8/2019.
Lợi suất đồng loạt đi lên sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuyên bố sẵn sàng để lạm phát lên cao hơn mục tiêu 2% thông thường mà không thắt chặt tiền tệ, tạo điều kiện đối đa cho nền kinh tế phục hồi.
Lạm phát và mặt bằng lãi suất lên cao khiến các công ty vay nợ nhiều bị tăng chi phí lãi vay. Ngoài ra, dòng tiền tương lai trong các công thức định giá cổ phiếu sẽ bị chiết khấu với lãi suất cao hơn, làm giảm giá kỳ vọng.
Doanh nghiệp công nghệ là nhóm vay nợ nhiều và dòng tiền kỳ vọng tương lai lớn, do vậy các cổ phiếu này bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi lợi suất tăng.
CNBC dẫn lời ông Craig Johnson, Giám đốc phân tích kỹ thuật tại ngân hàng đầu tư Piper Sandler nhận xét: "Rủi ro lãi suất tăng quá nhanh vẫn là mối lo ngại chính của thị trường. Lực mua trong những tuần qua không được dàn đều khi các cổ phiếu tăng trưởng vẫn tụt lại phía sau do mối đe dọa từ lãi suất tăng".
Các cổ phiếu ngân hàng ngược dòng đi lên trong phiên 18/3 do nhà đầu tư kỳ vọng mặt bằng lãi suất cao sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà băng, làm tăng chênh lệch giữa lãi suất cho vay dài hạn và lãi suất huy động ngắn hạn.
Cổ phiếu US Bancorp và Wells Fargo tăng lần lượt 3,3% và 2,4%. Bank of America và JP Morgan Chase cũng thêm tương ứng 2,6% và 1,7%.
Nhà đầu tư ngày 18/3 cũng đón nhận nhiều số liệu kinh tế trái chiều. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đạt 770.000, cao hơn so với ước tính 700.000 mà các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát đưa ra.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Chi nhánh Philadelphia đạt 51,8 điểm, cao hơn hẳn mức kỳ vọng 22 điểm của các nhà kinh tế, đồng thời là mức cao nhất kể từ năm 1973 đến nay.
Giá dầu giảm, cổ phiếu năng lượng cũng rớt thảm
Cổ phiếu năng lượng là nhóm đi xuống thê thảm nhất trong lúc giá dầu giảm sâu. Nhóm ngành năng lượng trong chỉ số S&P 500 sụt 4,7% vào phiên 18/3.
Giá dầu WTI giảm hơn 7%, thủng mốc 60 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của WTI kể từ tháng 9 năm ngoái và cũng là phiên đi xuống thứ 5 liên tiếp - chuỗi giảm dài nhất trong hơn một năm trở lại đây. Giá dầu Brent giảm gần 7% còn khoảng 63 USD/thùng.
Cổ phiếu đại gia dầu khí Chevron giảm 3,6%, Occidental Petroleum sụt 8,4%, ConocoPhillips mất 6%.
Bloomberg dẫn lời ông Tamas Varga - Chuyên gia phân tích tại công ty môi giới năng lượng PVM Oil Associates nhận xét: "Những băn khoăn về cung - cầu trong ngắn hạn đang tạm thời phủ bóng đen lên một tương lai tươi sáng nhiều khả năng sẽ đến trong quý III năm nay".
Ông Edward Moya - Chuyên gia thị trường cao cấp tại Oanda Corp. nhận định: "Đợt lao dốc này hoạt toàn là do triển vọng nhu cầu. Sự sụt giảm chỉ là tạm thời, nhưng mối lo chính ở đây là chúng ta không thấy các dấu hiệu rõ ràng về việc châu Âu đang đi tới bước ngoặt" trên con đường khống chế đại dịch và mở cửa kinh tế.
Theo Bloomberg, nhu cầu dầu thô thời gian gần đây suy yếu do Trung Quốc giảm nhập khẩu, các nhà máy lọc dầu ở bờ biển vịnh Mexico của Mỹ vẫn đang chật vật hồi phục sau đợt băng giá bất thường hồi tháng trước.
Trong khi đó, một vài nỗ lực phân phối vắc xin COVID-19 lại đang gặp trở ngại, hàng chục nước gồm Đan Mạch, Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, ... đã tạm dừng tiêm vắc xin của AstraZeneca do lo ngại về tính an toàn. Đồng USD mạnh lên cũng khiến những loại hàng hóa được yết giá bằng USD trở nên kém hấp dẫn.