Nguyên nhân là do thị trường lo ngại về tình hình dịch COVID-19 ở châu Âu đang diễn biến phức tạp
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn đã giảm 4,72 USD (tương đương 6,9%) xuống 63,28 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 4,60 USD (7,1%) xuống 60 USD/thùng. Cả hai loại dầu trên đều giảm hơn 11% kể từ khi đạt mức cao nhất gần đây vào ngày 8/3. Chuỗi 5 phiên mất giá là chuỗi dài nhất đối với dầu WTI kể từ tháng 2/2020 và đối với dầu Brent kể từ tháng 9/2020.
Trước đó, sau giai đoạn trầm lắng, dầu mỏ đã trở thành mặt hàng "nóng" trở lại trong tháng Hai vừa qua khi cả giá dầu Brent và dầu ngọt nhẹ WTI đều đã có lúc vượt ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên trong vòng hơn 12 tháng qua.
Trong những phiên giao dịch đầu tháng 3, giá dầu Brent đã dao động xung quanh mức 70 USD/thùng. Đây là diễn biến mà trong các kịch bản tích cực nhất người ta cũng không thể ngờ tới.
Giới quan sát thị trường nhận định, giá dầu lao dốc trong những ngày vừa qua là do một số nền kinh tế lớn ở châu Âu đã phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa khi số ca mắc mới tăng lên. Trong khi đó, các chương trình tiêm chủng đang chậm lại do các Chính phủ lo ngại về tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca đang được phân phối rộng rãi ở châu Âu.
Chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao tại Wood Mackenzie, Simon Flowers nhận định thế giới có thể đứng trước cuộc khủng hoảng nguồn cung sau năm 2021. Nhu cầu dầu phục hồi trở lại hơn 100 triệu thùng/ngày có thể làm tăng nguy cơ chênh lệch nguồn cung vào cuối thập kỷ này và đẩy giá dầu tăng vọt lên tới 100 USD/thùng.
VTV.vn - Giá dầu Brent trong phiên giao dịch gần đây đã dao động xung quanh mức 70 USD/thùng. Đây là diễn biến mà trong các kịch bản tích cực nhất người ta cũng không thể ngờ tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!