Việt Nam là thị trường đáng đầu tư hơn so với suy nghĩ của nhiều người và là thị trường cận biên mà HSBC yêu thích. Đây là quan điểm nổi bật nhất được Khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đưa ra khi đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo phân tích của HSBC, những yếu tố khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn bao gồm FDI tăng mạnh, chính phủ quan tâm đến đầu tư hạ tầng, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng ngày một tốt hơn.
Đồng thời, yếu tố lợi nhuận hấp dẫn, định giá tốt, bảng cân đối kế toán tốt và các biện pháp cải tổ thị trường làm tăng khả năng thị trường sẽ có khoảng thời gian tăng điểm kéo dài.
Cụ thể, HSBC không đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng thị trường cổ phiếu Việt Nam quá nhỏ. Bởi lẽ, số cổ phiếu có vốn hoá thị trường lớn hơn 5 tỷ USD hiện tại là 11, tăng hơn nhiều so với hồi 2015 với 2 mã. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên năm 2020 là 430 triệu USD và gần đây đã lên gần 1 tỷ USD.
Như vậy, nếu so sánh với các thị trường khác trong khu vực như thị trường Philippines có 13 cổ phiếu có vốn hoá trên 5 tỷ USD, giá trị giao dịch mỗi phiên khoảng 228 triệu USD thì thị trường Việt Nam đáng để đầu tư.
Bên cạnh đó, HSBC cũng không đồng tình với ý kiến cho rằng nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều lựa chọn khi các quy định về trần sở hữu bị áp dụng chặt chẽ.
“Nếu nhìn vào cổ phiếu thuộc nhóm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất (VN30), nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn có đủ cổ phiếu đáng đầu tư cho họ lựa chọn. Trong số này, chỉ có 6 cổ phiếu đã kín room ngoại. Dù những cổ phiếu kín room ngoại tốn thêm phí chênh lệch khi giao dịch nhưng chúng vẫn có tăng trưởng lợi nhuận tốt và định giá rẻ hơn so với các công ty tương tự ở châu Á”, HSBC nêu quan điểm.
Cũng theo HSBC, hiện Chính phủ Việt Nam đã thông qua luật chứng khoán và đầu tư mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, theo đó, các biện pháp hạn chế với nhà đầu tư ngoại đã được giảm đi. Trong khi đó, một số công cụ đầu tư mới cũng đang giúp cho nhà đầu tư ngoại có cơ hội tiếp cận với những doanh nghiệp đã đạt trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. HSBC tin với các biện pháp cải cách, Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Đáng chú ý, HSBC còn cho rằng, từ năm 2015 đến nay, thị trường Việt Nam luôn tăng trưởng tốt hơn các chỉ số chính của khu vực. Không chỉ vậy, yếu tố lạm phát thấp, tỷ giá tiền đồng ổn định, giá cổ phiếu hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận tốt, đầu tư nước ngoài tăng, ngành ngân hàng tăng trưởng tốt, người tiêu dùng có sức mua tốt, tất cả những yếu tố trên sẽ giúp góp phần để thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt trong dài hạn.
Dù còn trở ngại từ Covid-19, các kinh tế gia tại HSBC vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng của Việt Nam và dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 7%; áp lực lạm phát vừa phải, trung bình 3% - thấp hơn so với trần lạm phát 4% của ngân hàng nhà nước; VND tiếp tục ổn định quanh 23.100 VND/USD.
Về giá trị, định giá thị trường tương đối hợp lý với PE điều chỉnh 12 tháng ở 17,2, cao hơn mức 16 của trung bình 5 năm. PB điều chỉnh 12 tháng ở 2,4 và cao hơn 8% so với trung bình 5 năm.
Xem thêm: mth.96763515191301202-ut-uad-gnad-man-teiv-naohk-gnuhc-gnourt-iht-cbsh/nv.ymonocenv