TPHCM sẽ giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp
Lê Anh
(KTSG Online) - Các thủ tục giấy tờ khi đầu tư vào khu công nghiệp ở TPHCM vẫn làm rất chậm. Đơn cử doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hiệp Phước làm các thủ tục mất 2-3 năm. Trong khi cùng thời gian đó, doanh nghiệp đầu tư ở các tỉnh lân cận thì đã khởi công xây nhà máy.
Đây là ý kiến được đại diện Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM phản ánh đến lãnh đạo TPHCM tại hội nghị sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM năm 2021, diễn ra ngày 19-3 tại TPHCM.
Chủ tịch TPHCM Nguyễn Thành Phong (áo trắng) trao đổi với doanh nghiệp bên lề hội nghị - Ảnh: Anh Quân |
Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết, trải qua hơn ba năm hoạt động, Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn thành phố đã kết luận hướng xử lý vướng mắc đối với 92 dự án.
Trong đó có 51 dự án bất động sản; 21 dự án liên quan đến phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông; 18 nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng xã hội và hai dự án liên quan đến hoạt động sản xuất. Ngoài ra, 108 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng được Tổ công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý.
Trong 92 dự án được Tổ công tác kết luận hướng xử lý vướng mắc nêu trên, hiện có 35 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỉ đồng, các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. Có 57 dự án cần đánh giá lại pháp lý, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện.
Dù đã tháo gỡ được nhiều dự án nhưng tại hội nghị các doanh nghiệp đều than phiền về các thủ tục tại TPHCM làm quá chậm. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí, điện TPHCM, cho biết một số doanh nghiệp cơ khí thuộc hội đã được cấp phép đầu tư vào khu công nghệ cao từ năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, giấy phép xây dựng cấp chậm nên doanh nghiệp chưa thể khởi công làm dự án.
Tương tự, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cũng phản ánh, các thủ tục giấy tờ khi đầu tư vào khu công nghiệp ở TPHCM vẫn làm rất chậm. Ông dẫn ví dụ, doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp Hiệp Phước để làm xong các thủ tục mất khoảng 2-3 năm. Trong khi cùng thời gian đó, doanh nghiệp đầu tư ở các tỉnh lân cận thì đã khởi công xây nhà máy.
Để thu hút được các nhà đầu tư vào TPHCM, ông Trần Việt Anh kiến nghị, thành phố cần có dữ liệu về các doanh nghiệp đầu tư từ 5-10 năm qua ở thành phố để có chính sách hỗ trợ trong đầu tư. Đặc biệt, TPHCM cần phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, sử dụng công nghệ mới, lao động trình độ cao để thu hút các tập đoàn lớn đến đầu tư.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước than phiền về thủ tục, đại diện của Tập đoàn Intel hoạt động tại khu công nghệ cao cũng phản ánh việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư thời gian gần đây mất vài tháng. “Cơ chế một cửa ở Khu công nghệ TPHCM không còn hấp dẫn như trước, hiện nay doanh nghiệp phải chờ thủ tục vài tháng mới được giải quyết”, vị này phản ánh đến lãnh đạo TPHCM.
Vị đại diện của Intel cũng phản ánh, ở khu công nghệ cao TPHCM, doanh nghiệp sản xuất không được xây nhà xưởng có chiều cao quá 25 mét, tuy nhiên những doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực sản xuất lại được xây cao hơn 25 mét, điều này gây ra sự không công bằng cho doanh nghiệp.
Sau khi nghe phản ánh của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết việc thành phố tổ chức hội nghị này mong muốn gửi thông điệp đến nhà đầu tư rằng chính quyền thành phố luôn cầu thị, mong muốn giải quyết các khó khăn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng hành động thực chất, cụ thể.
Để cải thiện môi trường đầu tư năm 2021, TPHCM đưa ra 10 nhóm giải pháp, như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn thành phố; tiếp cận nguồn lực đất đai; chuyển đổi số và khoa học công nghệ….
Để hạn chế tình trạng chậm trễ trong thủ tục hành chính, ông Phong cho biết, nếu quá 15 ngày làm việc, các sở ngành lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.
Bên cạnh đó, TPHCM sẽ nghiên cứu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý kiến nghị của doanh nghiệp so với quy trình cơ quan, đơn vị đang thực hiện. Trên 60% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của TPHCM đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh, có những dự án và vấn đề vượt quá thẩm quyền của thành phố nên phải xin ý kiến các cơ quan trung ương. Do vậy, thời gian kéo dài, doanh nghiệp cần chia sẻ với khó khăn này của thành phố. “Thành phố mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án được tháo gỡ thông qua cơ chế hoạt động của tổ công tác về đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, đem lại hiệu quả đầu tư cho các doanh nghiệp”, ông Phong nói.
Trong khuôn khổ hội nghị, UBND TPHCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư 8 dự án với tổng vốn đầu tư 23.145 tỉ đồng; trao chủ trương đầu tư cho 5 dự án, tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỉ đồng; trao giấy phép xây dựng cho dự án chung cư Cô Giang, quận 1 với tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng. TPHCM cũng trao nghị quyết của Chính phủ cho Công ty Lotte Properties HCMC triển khai dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thuộc Thành phố Thủ Đức, với tổng vốn đầu tư 20.100 tỉ đồng. |
Mời xem thêm: