Chơi với con, dành thời gian cho con để trở thành bạn của con - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chuyện ồn ào của một YouTuber nổi tiếng với clip phản giáo dục vừa qua hẳn làm nhiều phụ huynh nhìn lại mối quan tâm của con cái: con đang thích gì, xem gì... Và không ít người giật mình.
1. Chị Thanh An, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết con gái học lớp 4 của chị đi học về kể mấy hôm rày, nhiều bạn trong lớp nhắc đến trường hợp của YouTuber này và thắc mắc "vì sao chị ấy bị công an mời lên làm việc? Rồi chị ấy có bị sao không?" với tâm trạng lo lắng. Khi chị An hỏi con có xem clip của chị ấy không, cô bé lí lắc trả lời: "Trước đây con có xem, nhưng giờ không xem vì không hợp gu với con nữa".
Còn chị Lan Anh kể trong chuyến gia đình đi chơi ở Bình Dương, gặp một YouTuber khá nổi với trẻ, con chị nằng nặc bảo mẹ chụp hình cho con với YouTuber ấy, rồi sau đó bé khoe cả lớp, cả xóm tấm hình này trong tâm trạng rất sung sướng. Trong khi đó chị không biết người ấy là ai...
Một đạo diễn phim chia sẻ rằng có lần diễn viên nhí ra phim trường diễn không được cảnh khóc. Thế là mẹ bé dọa nếu con không diễn được lát nữa mẹ sẽ không cho xem clip của một YouTuber, cô bé ấy khóc ầm lên...
Thực tế với rất nhiều trẻ, các YouTuber đã trở thành người bạn, thậm chí là thần tượng bởi mỗi ngày các em được xem, được nghe các YouTuber kể chuyện, bày trò chơi. Trong khi một thực tế khác rằng cha mẹ lắm lúc bận rộn công việc, bận với những mối quan hệ riêng mà không thể chơi đùa với con, có người còn không rõ gu con là gì, không biết hết con đang "theo dõi" những ai trên mạng xã hội.
2. Thời của Internet phát triển, của mạng xã hội phát triển mạnh mẽ lại khiến không ít đứa trẻ đang cô đơn trong căn nhà của mình, bị cuốn vào thế giới ảo nhiều màu sắc đó. Chỉ cần một cú click là tìm ra hàng loạt chương trình hợp gu. Với suy nghĩ non nớt như trang giấy trắng, bọn trẻ lắng nghe và học rất nhiều điều từ các YouTuber.
Nhà báo Nhật Hoa - giám đốc Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục, Đài truyền hình Việt Nam - cho biết: "Gần đây, chúng tôi cũng có khảo sát học sinh tiểu học và nhận được những từ khóa diễn tả tâm trạng chung của các em, đó là: buồn vui thất thường, chán nản, cô đơn, trong đó tâm trạng chán nản và cô đơn là nhiều. Các em cũng nói rõ: các em vui những lúc được chơi với bố mẹ, được xem tivi, chơi game...".
Theo bà Nhật Hoa, mẫu số chung thu hút khán giả của một số kênh YouTube là người sản xuất khá hiểu trẻ em, biết chơi cùng trẻ em. Nhưng đáng tiếc có chủ kênh chưa đặt sự phát triển lành mạnh của trẻ em lên hàng đầu để cẩn trọng và kỹ lưỡng khi sản xuất, nên dẫn tới việc xuất hiện những nội dung có thể gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ. Và đây là điều rất nguy hiểm.
Để tránh việc những nội dung không lành mạnh gây ảnh hưởng trẻ, theo ông Phan Thanh Giản - phụ huynh và cũng là người kinh doanh trong dịch vụ OTT: "Trẻ em chưa có nhận thức đâu là clip độc và đâu là lành mạnh, dễ bị kích thích và cuốn vào bởi các clip có hình ảnh, màu sắc, lời nói, các hành động quá lố.
Để tránh việc con xem các clip xấu thì chỉ có một cách là xem cùng con và kiểm soát các nội dung con xem. Có rất nhiều video lành mạnh, thậm chí khơi gợi sự phát triển trí tuệ của con, nếu cha mẹ cùng xem, dẫn dắt, cổ vũ, chắc chắn các con sẽ dần thích các chương trình lành mạnh...".
3. Rõ ràng vai trò của phụ huynh trong việc dẫn dắt con trẻ xem gì là vô cùng quan trọng. Thế nhưng bà Nhật Hoa muốn gửi gắm đến các phụ huynh một câu chuyện: "Năm 2017, trong lần đi hội thảo về sản xuất chương trình thiếu nhi tại Mipcom, Pháp, tôi được các đồng nghiệp cho xem kết quả một bản khảo sát mà các nhà sản xuất chương trình thiếu nhi quốc tế thực hiện. Câu hỏi khảo sát là: Trẻ em (mầm non và tiểu học) thích gì nhất? Kết quả các em trả lời: Thích nhất là được chơi với cha mẹ".
Vì vậy, cha mẹ cần dành thời gian chơi cùng với con và trở thành thần tượng của con mình, có được không?
TTO - "Mẹ vào phòng con phải gõ cửa trước. Đó là phép lịch sự tối thiểu. Mẹ không thể cứ tự vào phòng con như thế".
Xem thêm: mth.88502318012301202-gnuc-iohc-em-ahc-ueiht-iv-rebutuoy-neihg-noc/nv.ertiout